Làn sóng di cư hàng loạt ở Trung Đông do xung đột
Sau khi xảy ra vụ Hamas tấn công Israel vào ngày 7.10.2023, giao tranh liên tục đang gây ra tình trạng di cư hàng loạt do mất nhà cửa tại khu vực này.
Ngoài các đợt không kích nhằm vào Dải Gaza, giao tranh cũng nổ ra giữa Israel với những nơi khác, như Bờ Tây, Yemen hay Lebanon. Tình trạng chiến sự không có dấu hiệu suy giảm, nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran mỗi ngày một nóng hơn, khiến Trung Đông chứng kiến làn sóng di cư hàng loạt cả ở trong và ngoài biên giới, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực trong những năm tới. Hậu quả dễ thấy là người dân nơi đây mất đi cuộc sống ổn định và an toàn.
Hơn một năm qua, các cuộc tấn công của Israel buộc gần 2 triệu người Palestine ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Hơn nữa, gần như toàn bộ người dân mất nhà cửa vẫn bị mắc kẹt ở đây, không thể rời khỏi vùng chiến sự do Israel đóng cửa biên giới và không kích liên tục. Tình trạng này làm gia tăng khủng hoảng nhân đạo, trong đó có cả nạn đói và dịch bệnh lan rộng bên cạnh vô số khó khăn khác.
Tình hình ở Gaza khác hẳn với các cuộc khủng hoảng di cư trước đây tại Trung Đông, ngay cả so với cuộc nội chiến ở Syria. Điều này xuất phát từ việc Israel tiếp tục hạn chế và ngăn chặn viện trợ cho người dân, trong khi nhân viên cứu trợ phải tìm cách cung cấp số hàng tiếp tế ít ỏi trong bối cảnh các cuộc không kích diễn ra liên tục. Ngoài ra, các trại tị nạn, tòa nhà dân sự, trường học và bệnh viện cũng không còn là nơi trú ẩn an toàn khi thường xuyên bị Israel tấn công với lý do là nơi ẩn nấp của các tay súng Hamas và Hezbollah. Trong năm qua, ít nhất 220 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng trong các vụ tấn công như vậy.
Một người dân Palestine gào thét bên cạnh tòa nhà bị phá hủy do không kích ở TP Gaza. Ảnh: Ali Jadallah/Anadolu/Getty Images
Tại Lebanon, tình trạng di cư hàng loạt cũng xảy ra do cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hezbollah. Ngay cả trước khi xung đột leo thang vào tháng 9.2024, gần 100 nghìn người Lebanon đã phải sơ tán khỏi miền Nam nước này. Trong khi đó, khoảng 63 nghìn người Israel cũng phải rời khỏi miền Bắc để tránh các vụ phóng rocket từ Lebanon. Từ cuối tháng 9.2024, khi Israel tấn công nhóm Hezbollah và các mục tiêu của Palestine ở Beirut và trên khắp Lebanon, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và buộc hơn 1 triệu người Lebanon sơ tán chỉ trong vài ngày.
Trong hơn vài thập kỷ qua, Trung Đông đã chứng kiến nhiều đợt sơ tán quy mô lớn xuyên biên giới vì vô số nguyên nhân, trong đó cuộc di cư của người Palestine liên quan đến sự ra đời của nhà nước Israel vào năm 1948 và những đợt xung đột sau đó được xem là đợt tị nạn kéo dài nhất thế giới. Chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu (1990 - 1991), các lệnh trừng phạt nhằm vào Iraq những năm 1990 và Mỹ tấn công Iraq năm 2003 cũng khiến hàng triệu người tị nạn, cũng như để lại hậu quả chính trị lâu dài cho khu vực. Với mục đích xóa bỏ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Israel từng tấn công Lebanon vào các năm 1978 và 1982, trong đó cuộc chiến năm 1982 khiến khoảng 1.500 - 3.000 dân thường Palestine thiệt mạng. Trong thời kỳ nội chiến ở Lebanon từ 1975-1990, ước tính 600 nghìn - 900 nghìn người dân nước này cũng phải chạy ra nước ngoài. Hai thập kỷ sau đó, Israel lại xâm chiếm Lebanon vào năm 2006 nhằm xóa sổ Hezbollah, buộc xấp xỉ 900 nghìn người Lebanon phải sơ tán về phía Nam. Mặc dù tốc độ và số dân sơ tán trong năm 2006 là chưa từng có tiền lệ vào thời điểm đó, nhưng số người phải di tản vào cuối tháng 9.2024 nhanh chóng vượt qua con số này.
Những gì đã xảy ra trong 1 năm qua và tình hình hiện tại cho thấy Trung Đông đang ở trong giai đoạn mới về tình trạng di cư, cả về quy mô và hình thức. Chỉ bằng cách chấm dứt những thù địch và ngừng bắn vĩnh viễn mới có thể tạo điều kiện cho người dân trở lại và tái thiết. Điều này đặc biệt đúng với những người bị mất nhà cửa ở Gaza.
LÊ QUẢNG (Theo The Conversation)