Cách chơi của những“ông bầu”
Gần đây, thông tin tuyển thủ quốc gia Hoàng Đức sẽ chuyển từ CLB Thể Công Viettel về thi đấu cho một CLB ở giải bóng đá hạng nhất quốc gia thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Trước đó, hàng loạt cầu thủ tên tuổi, từng khoác áo đội tuyển Việt Nam như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Công Phượng, Đỗ Văn Thuận… cũng chọn giải hạng nhất làm bến đỗ ở mùa giải mới.
Sự lựa chọn của các cầu thủ được coi là ngôi sao của bóng đá Việt Nam có thể hiểu được, khi số tiền “lót tay” để họ chấp nhận một “bước lùi trong sự nghiệp” cao hơn khá nhiều so với lúc chơi ở V-League. Đó là chưa kể đến những điều kiện kèm theo có sức hấp dẫn lớn, đảm bảo cho họ một cuộc sống “thành thơi” khi giã từ sân cỏ.
Với những gì đã diễn ra trong những năm qua, có thể thấy chất lượng ở sân chơi hạng nhất và V-League có sự chênh lệch khá lớn. Vì vậy, sức cạnh tranh ở giải hạng nhất thường không quá lớn, khó để phát huy hết khả năng của cầu thủ. Nhưng một khi các “ông bầu” đã “chịu chơi và chịu chi” thì họ có thể làm những việc mà người ta hay gọi là “điên rồ”.
Khi có tiền, người ta có quyền làm những điều mình thích, các “ông bầu” bóng đá cũng vậy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi bóng đá Việt Nam vẫn chưa xuất hiện những tài năng mới, hàng loạt cầu thủ chất lượng chọn thi đấu ở sân chơi có chất lượng chuyên môn thấp thì việc đánh giá năng lực để gọi lên đội tuyển quốc gia sẽ căn cứ vào đâu? Trong thời điểm thành tích bóng đá Việt Nam có dấu hiệu đi xuống ở thời kỳ “hậu Park Hang Seo”, xu hướng này càng làm dấy lên nỗi lo với những người yêu bóng đá trong nước về chất lượng đội tuyển ở những giải đấu quốc tế…
ĐỨC MẠNH