Để “sống” được với đam mê võ thuật
Tìm một công việc phù hợp sau khi từ giã sự nghiệp luôn là trăn trở lớn của VÐV thể thao. Với các võ sĩ, việc tiếp tục tham gia công tác huấn luyện là lựa chọn của nhiều người và họ mở các phòng tập để vừa lan tỏa phong trào, vừa nối tiếp đam mê.
Sống được với đam mê
Từng là VĐV giành nhiều thành tích cao ở các giải võ cổ truyền và boxing quốc gia trong màu áo Bình Định, sau khi treo găng năm 2020, Nguyễn Thế Quyền (SN 1993) dành toàn bộ thời gian tập trung vào việc gầy dựng CLB. Đến nay, CLB võ thuật và gym fitness Thế Quyền (Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, TP Quy Nhơn) là nơi đào tạo và phát triển nhiều tài năng trẻ, giành thành tích cao tại các giải đấu cấp tỉnh. Mới đây, anh vừa mở thêm một phòng tập võ thuật và gym fitness có tên Champion Kickfitness (đường Nguyễn Tư, TP Quy Nhơn). Phòng tập được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ tập luyện hiện đại, theo mô hình kết hợp giữa các môn võ thuật về thể dục thể hình, gym.
Phòng tập võ thuật mới được HLV Nguyễn Thế Quyền đầu tư với kinh phí lớn để võ sinh có thêm điều kiện tốt tập luyện và phát huy tài năng. Ảnh: K.VÂN
Cựu VĐV đội tuyển võ cổ truyền, đội tuyển boxing Bình Định chia sẻ: Một nơi có điều kiện tập luyện tốt sẽ giúp người tập hứng thú với việc rèn luyện sức khỏe, trong đó, tôi vẫn coi việc truyền dạy võ thuật là chính. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn có thể tạo được môi trường luyện tập, rèn luyện sức khỏe thật chất lượng cho người trẻ và cả ở lứa tuổi trung niên.
Viết tiếp ước mơ
Dang dở với con đường VĐV vì những khúc mắc trong khâu “chuyển nhượng”, năm 2021, Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1989, quê ở Lào Cai, từng là VĐV đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định, thành viên đội tuyển wushu quốc gia) thành lập võ quán VJMA (đường Đống Đa, TP Quy Nhơn) để viết tiếp ước mơ với con đường đam mê, chị huấn luyện bộ môn kickfitness - kết hợp giữa võ thuật và thể hình cho mọi đối tượng có nhu cầu.
Với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm khi còn là VĐV, võ quán vừa giúp chị kinh doanh vừa duy trì đam mê. Trong võ quán, Huyền bố trí thêm không gian để bán cà phê trang nhã kiếm thêm thu nhập, vừa là nơi để những người cùng đam mê đến trò chuyện, hay phụ huynh có nơi dễ dàng xem con tập luyện.
Tại võ quán VJMA, Huyền đầu tư khá đầy đủ dụng cụ chuyên dụng tập luyện như: Sàn đài để võ sinh cọ xát vào cuối tuần, bao cát, thảm tập, thiết bị hỗ trợ tập thể lực… Thu Huyền chia sẻ: Tôi là nữ nên việc duy trì võ quán vất vả hơn, đặc biệt đó cũng là rào cản để võ sinh nam đến tập luyện. Tuy nhiên, khi làm việc bằng chính đam mê và tâm huyết, võ quán là nơi giúp tôi có thêm thu nhập và khẳng định tôi có thể sống được bằng chính chuyên môn của mình.
Lấy đam mê nuôi dưỡng đam mê
Đặng Đình Văn (SN 1993) là một trong những VĐV đối kháng võ cổ truyền Bình Định giành nhiều thành tích cao. Năm 2018, khi đang là VĐV, anh được lãnh đạo Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tạo điều kiện mở CLB võ thuật tại SVĐ Quy Nhơn. Đến năm 2020, Đặng Đình Văn giải nghệ và tự mở phòng tập riêng, gầy dựng CLB võ thuật xứ Nẫu tại Trung tâm Thương mại và Dịch vụ TOCEPO (đường Đống Đa, TP Quy Nhơn).
Văn chia sẻ, khi còn là VĐV tôi đã cố gắng tập luyện, thi đấu và trở thành kiện tướng quốc gia nhưng cũng đã nghĩ nhiều về việc mình sẽ làm gì sau khi giải nghệ. May mắn, tôi được vợ đồng hành và hỗ trợ, tự mở phòng tập riêng, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng nhu cầu tập luyện của khách hàng. Khi mở CLB, ngoài mục đích gầy dựng phong trào, tìm kiếm và đào tạo VĐV tham gia thi đấu giành thành tích, tôi xác định sẽ đi theo hướng thương mại, lấy đam mê để nuôi dưỡng đam mê.
Cách đây 4 tháng, Đặng Đình Văn mở rộng quy mô và chuyển phòng tập về đường Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Ngoài ra, anh đầu tư thêm 13 bàn billiards pool, phù hợp với nhu cầu của giới trẻ để có thêm thu nhập.
Đình Văn tâm sự: Mở phòng tập không phải là việc ai cũng làm được, cần tính toán và phải có nhiều vốn để đầu tư. Đó cũng là điều mà tôi trăn trở và nỗ lực nhiều để thực hiện khi mình còn trẻ và khỏe.
KIỀU VÂN