Nặng tình chiếc nón quê hương
Với bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, nhiều phụ nữ ở làng nón Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) và làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) đang từng ngày giữ nghề, đưa sản phẩm truyền thống của quê hương đến mọi miền Tổ quốc.
Phụ nữ làng nón Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) miệt mài với công đoạn hoàn thiện chiếc nón lá. Ảnh: T.K
Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, nơi lưu giữ nghề chằm nón lá truyền thống, hơn 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Trung (73 tuổi, thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận) đã sớm thuần thục cách làm nón.
“Dù nghề nón không mang lại thu nhập cao như nhiều nghề khác nhưng hầu như ai đã biết nghề đều không muốn bỏ. Tôi có cô con gái buôn bán ở TP Hồ Chí Minh và nhờ con mà những chiếc nón lá quê do tôi làm ra đã tìm được nhiều khách hàng ở phương Nam xa xôi”, bà Trung tâm sự.
Làm dâu làng nón, “nhập gia tùy tục”, bà Phạm Thị Mai (65 tuổi, thôn Thuận Hiệp, xã Bình Thuận) chịu khó học hỏi và cũng nhờ nghề này, túc tắc túc tắc thế thôi mà bà đã nuôi 2 con lớn khôn, phương trưởng dù bà góa chồng khi chỉ vừa 31 tuổi.
Nói về nghĩa tình với nghề nón, bà Phạm Thị Mai chia sẻ: “Nghề chằm nón lá của ông cha để lại đã giúp tôi vừa chăm con vừa làm việc. Tuy không giàu có nhưng gia đình tôi vẫn sống vui vẻ, con cái được học hành nên người”.
Trong khi đó, làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) hiện có hàng trăm hộ dân giữ nghề, trong đó đa số là phụ nữ. Nhân những ngày tháng 10 còn nắng đẹp, bà Huỳnh Thị Hồng (60 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường) tranh thủ phơi lá kè để chuẩn bị làm nón.
Bà Huỳnh Thị Hồng (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) tranh thủ phơi lá kè để chuẩn bị làm nón ngựa Phú Gia. Ảnh: T.K
Theo bà Hồng, bà sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nón và nghề này theo bà đã gần 50 năm. Trước khi nghỉ hưu, bà Hồng là cô giáo mầm non, trừ những lúc dạy dỗ, chăm sóc trẻ ở trường, thời gian còn lại bà dành cho nghề nón. Bây giờ, thời gian rảnh rỗi nhiều, nghề nón giúp bà có thêm niềm vui mỗi ngày.
Trước niềm vui nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia,với 60 năm gắn bó với nghề làm nón, bà Nguyễn Thị Tâm (73 tuổi, ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường) vô cùng tự hào về nghề truyền thống của cha ông để lại. Cơ sở chằm nón của bà hiện có 7 chị em cùng làm. Sản phẩm của cơ sở được giới thiệu qua các kênh như: Cửa hàng kinh doanh sản phẩm lưu niệm; các đơn vị du lịch, lữ hành. Bà còn nhận làm nón theo đơn đặt hàng và tiếp nhận học sinh, sinh viên đến trải nghiệm làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Tâm (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) tập trung với từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: T.K
“Tôi có 4 cô con gái và cũng như cha mẹ tôi, tôi truyền nghề cho các con khi vừa lên chín lên mười. Bây giờ các con cũng đã biết cách làm dù chưa thật sự tinh tế, khéo léo. Tôi sẽ cố gắng giúp các con rèn luyện tay nghề để gìn giữ nghề của ông cha ta để lại”, bà Tâm bày tỏ.
Hiện, ngoài nón ngựa Phú Gia được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể, nón lá Thuận Hạnh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Để hỗ trợ quảng bá sản phẩm nón lá của địa phương, chị Nguyễn Thị Phong Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Sơn, cho hay: “Tại các phiên chợ do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chúng tôi thường xuyên quảng bá nón lá của quê hương mình. Chúng tôi cũng phối hợp với một số cơ quan truyền thông để quảng bá thêm hình ảnh nón lá Thuận Hạnh; đồng thời, Hội LHPN các cấp cũng thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh về chiếc nón trên trang Facebook nhằm lan tỏa hình ảnh chiếc nón truyền thống quê mình”.
THẢO KHUY