Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc vận động tranh cử vào giai đoạn nước rút
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều dành ngày 13.10 để tích cực vận động tranh cử tại các bang “chiến địa” nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP/TTXVN)
Trong nỗ lực tìm kiếm lợi thế ở giai đoạn nước rút trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều dành ngày 13.10 để tích cực vận động tranh cử tại các bang “chiến địa” nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Harris đã có mặt tại bang North Carolina - nơi chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Helene càn quét cách đây hai tuần - để tìm cách phản bác lại các chỉ trích của ông Trump về cách thức hỗ trợ các nạn nhân của bão mà chính phủ liên bang đang triển khai.
Phát biểu tại một nhà thờ ở Greenville, bà Harris nêu rõ: “Trong những thời khắc khủng hoảng, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy được những người hùng trong xã hội”.
Bà Harris đồng thời chỉ trích hành vi phát tán thông tin sai lệch về nỗ lực của chính phủ liên bang trong việc giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do bão.
Cũng trong ngày 13.10, nhiều nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân chủ cũng thể hiện sự “đồng hành” với bà Harris.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có mặt ở bang Florida để đánh giá những thiệt hại do cơn bão Milton gây ra gần đây và khẳng định cam kết của chính quyền liên bang đối với các nỗ lực cứu hộ và phục hồi sau thảm họa.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã có mặt tại bang Georgia để tranh thủ lôi kéo thêm sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi cho ứng cử viên Harris.
Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Trump tổ chức buổi vận động ở bang Arizona vào ngày 13.10.
Trước đó, trả lời phỏng vấn với hãng Fox News, ông Trump đã đưa ra ý tưởng điều động quân đội để ngăn những kẻ cực đoan gây rối trong dịp bầu cử.
Vị cựu Tổng thống bày tỏ quan ngại về những “đối tượng cực đoan bên trong nước Mỹ”, đồng thời đề xuất huy động lực lượng Vệ binh quốc gia trong trường hợp thực sự cần thiết.
Chỉ còn 23 ngày nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5.11, cả ông Trump và bà Harris đều đang cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt tại 7 bang “dao động” có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử năm nay.
Một cuộc thăm dò dư luận quốc gia được NBC News công bố ngày 13.10 cho thấy hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ngang bằng nhau 48-48%.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Harris vẫn chưa ngăn được cử tri gốc Latinh rời bỏ đảng Dân chủ để chuyển sang ủng hộ ông Trump, bất chấp thông điệp chống nhập cư mạnh mẽ của vị cựu Tổng thống.
Dữ liệu từ cuộc thăm dò mới nhất do New York Times/Siena College thực hiện cho thấy bà Harris đang có thành tích “khiêm tốn hơn” so với các ứng cử viên của đảng Dân chủ trước đây trong thu hút sự ủng hộ của số cử tri gốc Latinh.
Hiện khoảng cách chênh lệch của bà Harris so với ông Trump về tỷ lệ ủng hộ của nhóm cử tri này là 19 điểm phần trăm, trong khi lợi thế của ông Biden hồi năm 2020 là 26 điểm phần trăm và trước đó của bà Hillary Clinton là 39 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử năm 2016.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy bà Harris tuy đang có ưu thế về sự ủng hộ của cử tri nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, song lại đang gặp khó khăn trong việc thu hút cử tri da màu là nam giới, một số trong đó đang có xu hướng nghiêng về phía ông Trump.
Dự kiến, trong ngày 14.10, hai ứng cử viên sẽ tổ chức các sự kiện vận động tranh cử tại bang có ý nghĩa rất quan trọng là Pennsylvania.
Theo Anh Dũng (TTXVN/Vietnam+)