Gánh nặng giá điện tăng
Từ ngày 11.10.2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%. Điều này tạo thêm áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tác động lên nền kinh tế
Chị Lê Thu Trà (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) lo lắng: “Tôi đi làm đã lâu, cũng sắp nghỉ hưu, gia đình đang có 2 con học đại học. Hiện nay giá thực phẩm leo thang, học phí của các con cũng rục rịch tăng, giờ đến lượt giá điện tăng tiếp. Mỗi thứ tăng một chút, cộng dồn nhiều chi phí trong tháng cũng thấy áp lực. Giá điện tăng dễ khiến người dân nghĩ rằng ngành điện làm ăn thua lỗ bắt người dân gánh”.
Đồng tình với ý kiến của chị Thu Trà, anh Nguyễn Tú (nhân viên văn phòng, ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) cho rằng, ngành điện tăng giá bán 4,8% nghe thì nhỏ, nhưng thực chất tác động lên toàn bộ nền kinh tế, vì mỗi thứ tăng đều. Việc ra quyết định tăng giá điện trong thời điểm này chưa hợp lý, đặc biệt là nhiều người dân tại các địa phương đang phải gồng mình khắc phục thiệt hại hậu quả của cơn bão số 3.
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng lo lắng không kém. Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát nằm trong Khu công nghiệp Phú An Thạnh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) kinh doanh chiếu xạ thanh long và thủy - hải sản trước khi xuất khẩu, hoạt động tiêu tốn rất nhiều điện.
Ông Vũ Thượng Hiền, Giám đốc sản xuất của công ty, cho biết, khi giá điện tăng sẽ tác động mạnh đến chi phí sản xuất của DN. Chỉ tính riêng tiền điện sau khi tăng giá thì DN phải trả thêm gần 10 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm đơn hàng vẫn chưa phục hồi và thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc ngành điện tăng giá khiến các DN phải tính các chi phí để bù đắp.
“Các DN không thể tự tiện tăng giá bán do sợ mất khách hàng. Việc tiết giảm các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất là buộc phải làm, nhưng không thể muốn là làm ngay được”, ông Hiền nói.
Tương tự, ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết, mỗi tháng DN sẽ phải trả thêm gần 15 triệu đồng. Thông thường, khi giá điện tăng thì nhiều thứ cũng tăng giá theo.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May Tinh Lợi, Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ảnh: QUANG PHÚC
Điện áp mái phụ thuộc thời tiết
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc tăng giá điện ở thời điểm cuối năm là thách thức, khó khăn không nhỏ cho DN do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới được phục hồi gần đây.
Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, bao gồm cả giá điện, ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó có đầu tư điện mặt trời mái nhà (điện áp mái). Hiện nay, một số DN như May Việt Tiến, May 10… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện sản xuất. Tuy nhiên, điện áp mái không thể thay thế được điện lưới quốc gia trong sản xuất công nghiệp, bởi sự phụ thuộc vào thời tiết.
Phân tích về động thái tăng giá điện của EVN vừa qua, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nói: Việc đẩy nhanh các dự án nguồn điện mới là giải pháp căn cơ cho ngành điện, thay vì lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN.
Thêm nữa, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Bởi điện khác với các sản phẩm khác như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới nên phải điều chỉnh giá cho kịp thời.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lĩnh vực công nghiệp dùng nhiều điện thì thấy ngay sự tác động của việc tăng giá điện. Cần có cơ quan độc lập làm nhiệm vụ thẩm định, kiểm soát chi phí đầu vào của EVN nhằm bảo đảm các quyết định tăng giá điện minh bạch, công khai, hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là lợi ích khách hàng sử dụng điện.
Một chuyên gia kinh tế phân tích thêm, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế mỗi năm trên dưới 7% trong suốt thời gian qua thì nhu cầu về điện rất lớn. Nhằm bảo đảm ổn định năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, ngành điện phải triển khai sớm quy hoạch điện, khẩn trương cho hòa lưới và thanh toán tiền mua điện đầy đủ những dự án năng lượng tái tạo đã được đầu tư trước đây, nhằm tránh lãng phí cũng như tăng nguồn cung kịp thời.
(Theo SGGP)