Sống đẹp, sống có ích
Tại chương trình kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2024) do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 12.10, đã có 25 “Thanh niên sống đẹp” cấp tỉnh được tuyên dương. Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu 3 cá nhân tiêu biểu trong số đó.
Hết lòng vì bệnh nhân
Cuối năm 2023, từ việc nhân viên ngành y tế được nhận chế độ độc hại bằng hiện vật hằng năm, chị Nguyễn Thị Ái Phượng (SN 1994, Phó Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định) đưa ra ý tưởng thực hiện chương trình “Lon sữa yêu thương” và được nhiều bạn bè, đồng nghiệp hưởng ứng bằng tiền mặt và sữa. Sau đó, chị cùng Chi đoàn tổ chức các đợt tặng sữa, trung bình mỗi bệnh nhân nhận từ 5 - 10 lon sữa.
Chị Nguyễn Thị Ái Phượng (thứ 2 từ trái sang) cùng các ĐVTN ở chi đoàn tham gia hiến máu. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, chị Phượng còn triển khai mô hình “Bữa sáng yêu thương”, nấu cháo tặng các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, giúp họ giảm đi phần nào gánh nặng tiền bạc, đồng thời có thêm động lực điều trị bệnh.
“Hiện tại, vì bệnh nhân đã được bếp ăn tình thương của tỉnh hỗ trợ các suất cơm nên tôi dự định sẽ cùng Chi đoàn tặng cà mèn để vừa thực hiện chương trình giảm thiểu chất thải nhựa của ngành y tế, vừa đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân”, chị Phượng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Ái Phượng đã 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện; cùng với đó còn vận động gia đình, nhiều đoàn viên trong Chi đoàn, địa phương nơi cư trú hiến hơn 10 đơn vị máu hằng năm. Năm 2024, với thành tích tham gia hiến máu tình nguyện từ 20 lần trở lên, gia đình chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Vượt khó, giúp người
Phạm Tuấn Khải (SN 1998, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) là anh cả trong gia đình có 5 người con. Bố Khải mắc bệnh căng thẳng thần kinh, không thể lao động; thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào gánh rau của mẹ Khải. Do vậy, suốt những năm học tại Trường ĐH Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), anh tự trang trải học phí và tiền sinh hoạt bằng đủ công việc như phụ hồ, phát tờ rơi…
Anh Phạm Tuấn Khải tặng quà cho người dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại bởi bão Yagi. Ảnh: NVCC
Thế rồi biến cố bất ngờ ập xuống khi anh đang là sinh viên năm ba. Bố Khải trở bệnh nặng, mẹ gặp tai nạn. Năm 2018, Khải quyết định dừng học, về quê chăm lo gia đình. Đến nay, bằng nghị lực vượt khó, Khải đã ổn định cuộc sống bằng việc mua bán trứng gia cầm, nuôi heo ở trang trại.
Suốt quãng thời gian ấy, Khải không quên thực hiện ước nguyện giúp người. Tính riêng năm 2024, anh đã kêu gọi hỗ trợ 30 trường hợp khó khăn trong và ngoài địa phương thông qua Facebook cá nhân với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Mới đây, anh vận động trên 200 triệu đồng cả tiền và hàng hóa, cùng bạn bè đến tận nơi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bão số 3 gây ra ở huyện Bắc Hà và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).
Tâm huyết với các mô hình thiện nguyện
Đặt nhiều tâm huyết vào các CLB thiện nguyện ở địa phương, chị Phạm Mỹ Hạnh (SN 1997, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) xem việc giúp đỡ những người khó khăn là một phần việc trong cuộc sống của mình.
Chị Phạm Mỹ Hạnh (phải) trao hỗ trợ cho em Đặng Vũ Nguyên Khôi là em nuôi của Hội LHTN phường, Đoàn phường Ngô Mây. Ảnh: D.L
Từ năm 2021, với vai trò “đầu tàu” của Hội LHTN Việt Nam phường, chị phối hợp cùng Đoàn phường, kết nối các đơn vị, nhà hảo tâm thực hiện mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Đến nay, đã có 5 em nuôi là học sinh đang theo học các trường trên địa bàn phường được hỗ trợ đến năm 16 tuổi. Không chỉ trao kinh phí mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, chị Hạnh còn vận động nhiều nguồn để tặng học bổng hằng quý cho các em.
Chị Hạnh cho biết: “Các em nuôi đa phần đều không đầy đủ gia đình, thiếu bố hoặc mẹ, hoặc là trẻ khuyết tật nên dễ lơ là việc học. Do vậy, tôi cùng các cán bộ, hội viên luôn cố gắng nắm bắt tình hình, động viên các em học tập, sinh hoạt; từ đó định hướng, quan tâm, giúp các em có thêm chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy”.
Song song với việc dành tình yêu thương cho các em nuôi, từ năm 2022, chị Hạnh phối hợp cùng tổ chức Hội địa phương triển khai mô hình “Bữa cơm 0 đồng” vào ngày 16 âm lịch hằng tháng. Trung bình mỗi đợt sẽ trao 50 suất cơm cho bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh, 110 suất cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ngoài lịch cố định, vào cuối năm, chị Hạnh cùng tổ chức đoàn, hội ở phường phối hợp cùng CLB Người tình nguyện tặng quà cho các bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh.
Chị Hạnh cho biết, trong thời gian tới, Hội LHTN phường sẽ xây dựng thêm ít nhất một mô hình an sinh xã hội, vừa thu hút thêm các bạn ĐVTN đến sinh hoạt tại địa phương, vừa tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng.
DƯƠNG LINH