Nỗ lực cống hiến, khẳng định vị thế của phụ nữ
Thời gian qua, các cấp hội và hội viên phụ nữ Bình Ðịnh không ngừng nỗ lực vượt khó, tạo nên nhiều dấu ấn tự hào, khẳng định vai trò và vị thế của mình, xứng danh với những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ thời đại mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang”.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20.10.1930 - 20.10.2024), Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, về vai trò của tổ chức Hội và cán bộ Hội LHPN các cấp hiện nay.
Chủ động, sáng tạo
Để hoạt động Hội Phụ nữ ngày càng đi vào thực chất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cần được triển khai thực hiện xuyên suốt với sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết của cán bộ hội.
• Thưa bà, bà có thể nói đôi điều về tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ hiện nay?
- Trên nền tảng kế thừa thành quả từ các nhiệm kỳ trước và tuân thủ phương châm cũng như định hướng chiến lược của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chúng tôi kết hợp các yếu tố “tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cùng cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi hội thấu hiểu phụ nữ”. Từ đó, việc tổ chức các hoạt động hội diễn ra đồng bộ, trọng tâm, xuyên suốt và mang lại hiệu quả tốt.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy trao bảng tượng trưng hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: T.K
Cùng với đó, ngay từ khi thông qua Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2021 - 2026), chúng tôi đã chủ động xây dựng chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động toàn khóa theo từng chủ đề, chủ điểm, các nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá. Do đó các hoạt động diễn ra mang tính liên tục, tiếp nối theo từng năm.
• Bà có thể cho biết cụ thể hơn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp hội từ một phần việc, lĩnh vực đột phá mà bà tâm huyết?
- Tính đột phá ở nhiệm kỳ này có một điểm khác biệt là phụ nữ phải tham gia sâu và toàn diện hơn đối với các lĩnh vực. Ví dụ như thực hiện khâu đột phá về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa, Hội LHPN tỉnh vận dụng sáng tạo nhiều cách thức, trong đó có sử dụng hình ảnh của người có sức ảnh hưởng như Hoa hậu H’Hen Niê - người truyền cảm hứng sống xanh để tuyên truyền, vận động. Từ đó, các chị em sẽ biết được nhiều câu chuyện bảo vệ môi trường qua chia sẻ của hoa hậu và từ suy nghĩ, các chị em sẽ chuyển đổi thành hành vi để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống tốt hơn.
Đồng thời chúng tôi phát động các tổ chức Hội Phụ nữ trồng cây xanh, vườn hoa, đường hoa... Điều đặc biệt là ở 159 xã, phường, phụ nữ đều có những đường hoa được chăm trồng tươi tốt, mà nơi nào có hoa thì không có rác. Hơn nữa, việc hình thành và duy trì thói quen phân loại rác thải cũng có nhiều điểm sáng tạo. Với phần rác thải hữu cơ, các chị ủ phân để chăm bón cho vườn rau, vườn cây; rác thải nhựa các chị bán gây quỹ để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nâng cao quyền năng kinh tế
Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên phát triển kinh tế, mang lại nhiều kết quả đáng mừng.
• Được biết, trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội đã có được nhiều thành công?
- Qua từng năm, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp dành cho phụ nữ ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia. Từ những ý tưởng, mô hình nhỏ, chúng tôi hỗ trợ các chị hình dung đường hướng rõ ràng hơn; đồng thời hướng dẫn cách ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, kinh doanh, cách đăng ký nhãn hiệu, thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Hội LHPN huyện Vân Canh giới thiệu sản phẩm địa phương tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Bình Định - năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: T.K
Đặc biệt, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã tạo được sự chú ý cho nhiều chị em. Fanpage của Hội LHPN tỉnh thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn rất xúc động với nội dung như “Chị ơi bây giờ em muốn khởi nghiệp thì gặp ai” hay “Em làm thế nào để được các chị hướng dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp”... Với những trường hợp này, chúng tôi chỉ đạo hội LHPN cấp xã, cấp huyện hướng dẫn rõ ràng, hỗ trợ tích cực.
• Còn với những phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp hội có những cách gì để hỗ trợ họ cải thiện kinh tế gia đình?
- Làm sao để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở, suy nghĩ. Hiện, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng CSXH và một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho chị em, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình... Đến thời điểm này, tổng dư nợ các cấp hội đang quản lý là hơn 3.650 tỷ đồng với hơn 226 nghìn hộ vay. Và từ thành công của các chị em đi trước, những chị em còn lo lắng, đắn đo sẽ mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, vươn lên cải thiện cuộc sống gia đình.
Cùng với đó, theo từng nguyên nhân nghèo, các cấp hội có những biện pháp hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế, con giống, xây dựng mái ấm tình thương...
Đồng hành với người yếu thế
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp hội đặc biệt quan tâm đến người yếu thế, trẻ em mồ côi, phụ nữ khuyết tật và ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực hơn hướng đến các trường hợp này.
• Trái tim phụ nữ vốn dĩ rất dễ đồng cảm, vậy với những người yếu thế, hẳn các cấp hội sẽ có những hoạt động quan tâm đặc biệt hơn...
- Hội LHPN các địa phương luôn chủ động nắm bắt các trường hợp là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân, trẻ em mồ côi để giúp đỡ kịp thời. Đối với phụ nữ khuyết tật, chúng tôi có một số CLB ở các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế phù hợp với sức khỏe bản thân.
Đặc biệt hiện toàn tỉnh có 512/3.746 trẻ mồ côi được các cấp hội nhận đỡ đầu. Không chỉ hỗ trợ kinh phí hằng tháng, vào các dịp lễ, tết, chúng tôi đều thăm nom, tổ chức các chương trình gặp gỡ, vui chơi nhằm giúp các cháu cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của mọi người dành cho mình.
• Còn đối với phụ nữ hoàn lương thì sao, thưa bà?
- Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” chúng tôi đặc biệt quan tâm, hỗ trợ phụ nữ lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giúp các chị em không quay lại “vết xe cũ”. Chúng tôi đã có nhiều năm phối hợp với Trại giam Kim Sơn (thuộc Bộ CA, tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) trong việc quản lý phụ nữ trở về sau khi chấp hành án và nhiệm kỳ này có một số đổi mới để khuyến khích chị em cố gắng cải tạo tốt hơn, như tổ chức chương trình “Ước mơ ngày trở về” để các chị có thêm động lực, hy vọng, chương trình “Hành trang ngày trở về” giúp các chị em biết tổ chức, cơ quan nào sẽ hỗ trợ mình về tinh thần, vật chất, vốn khi mãn hạn tù...
Hiện nhiều chị em lầm lỡ trở về phát triển kinh tế rất tốt, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
• Để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, lòng nhiệt huyết của cán bộ hội rất quan trọng, bà có nhìn nhận gì về vấn đề này?
- Rất mừng là cán bộ Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở rất “đều tay” và nhiệt huyết. Do vậy khi tổ chức các hoạt động, cách các chị em chuyển tải các nội dung cũng uyển chuyển, sinh động, tươi mới, phù hợp với xu hướng hiện nay. Tôi rất yên tâm, tin tưởng các chị sẽ cùng nhau xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển, thực hiện tốt vai trò của Hội LHPN để góp phần thiết thực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
• Xin chân thành cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)