Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương
Sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, năm 2019, anh Đinh Văn Nghiên (24 tuổi, dân tộc H’re, ở thôn 6, xã An Trung, huyện An Lão) đăng ký đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Sau 3 năm làm việc tại nước ngoài, anh trở về địa phương bắt đầu khởi nghiệp với nghề nấu rượu gạo.
Anh Nghiên đầu tư 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua các máy móc, thiết bị nấu rượu; mua gom gạo tẻ của bà con trong vùng; tự nghiên cứu kỹ thuật nấu rượu từ sách, vở và internet.
Trung bình mỗi tháng, anh Nghiên nấu được gần 1.500 lít rượu, thu lãi hơn 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh tận dụng hèm làm thức ăn nuôi 15 con heo thương phẩm.
Anh Đinh Văn Nghiên (bìa phải, ở thôn 6, xã An Trung) đang giới thiệu với thanh niên trong thôn về quy trình ủ men rượu. Ảnh: T.C
Để phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn, anh Nghiêm đa dạng hóa dịch vụ, sản xuất bằng cách mở thêm tiệm tạp hóa, quán bán nước giải khát, đặc biệt anh vay vốn, đầu tư trên 620 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp Kubota, làm dịch vụ cho bà con. Từ dịch vụ này anh có thêm gần 75 triệu đồng/vụ… Nhờ chịu khó sản xuất, kinh doanh, mỗi năm gia đình anh tích lũy được hơn 300 triệu đồng, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Nghiên chia sẻ: “Sắp tới, tôi dự định sẽ vay từ Ngân hàng CSXH huyện hoặc nguồn quỹ Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp để mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc, thiết bị mới phát triển nghề nấu rượu; cùng với đó, làm hồ sơ, đăng ký sản phẩm Rượu gạo An Trung thành sản phẩm OCOP cấp huyện trong năm 2025”.
Anh Đinh Văn Thép, Bí thư Xã đoàn An Trung, đánh giá: Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi của xã, anh Nghiên còn tham gia nhiệt tình, năng nổ trong các chương trình, phong trào do Đoàn, Hội xã tổ chức; vận động các ĐVTN từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong phát triển kinh tế gia đình; chia sẻ những kinh nghiệm chăn nuôi, cách làm ăn mới, từng bước giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
TRIỀU CHÂU