ASEAN và những vấn đề còn bỏ ngỏ
Kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, các nước thành viên vẫn chưa thể đạt được tiến triển về một số vấn đề quan trọng, bao gồm những căng thẳng ở Biển Đông và cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kết thúc các hoạt động tại Hội nghị cấp cao ở thủ đô Vientiane (CHDCND Lào) ngày 11.10. Ngoài vấn đề hợp tác kinh tế là điểm sáng, các nhà phân tích cũng chỉ ra một số vấn đề mà các bên còn bế tắc trong thảo luận.
Vấn đề Biển Đông
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos kêu gọi cần khẩn cấp đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông trong bối cảnh tiến trình đàm phán đang diễn ra cực kỳ chậm chạp. Ông Ferdinand Marcos cũng cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi đe dọa và quấy rối ở Biển Đông, nơi nước này có yêu sách chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ vùng biển này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề gai góc này khó có khả năng được giải quyết sớm, do các nước thành viên ASEAN đều có lợi ích, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau với vấn đề này. Theo ông Vikram Nehru, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại (Khoa Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Johns Hopkins), một số nước công khai phản đối, còn một số lại ưu tiên những vấn đề khác, như thương mại. Ông cũng cho rằng, những căng thẳng chưa nghiêm trọng đến mức trở thành mối đe dọa sống còn với từng thành viên ASEAN hay gây ra sự gián đoạn mạnh đến giao thương trong khu vực, điều khiến ASEAN đưa ra cách tiếp cận mang tính tập thể hơn.
Đáp trả Philippines, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chỉ trích “các lực lượng bên ngoài” can thiệp vào các vấn đề của khu vực (ám chỉ Mỹ và đồng minh), đồng thời cho rằng các nước ASEAN đang hành động theo lệnh của Washington. Phản bác điều này, bà Sharon Seah, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (Viện ISEAS-Yusof Ishak) cho rằng, đây là quan điểm của thời Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời và rằng, Đông Nam Á hiện không còn là mặt trận cho các cường quốc bên ngoài nữa.
Ảnh: Reuters
Hợp tác kinh tế
Ngoài các vấn đề an ninh khu vực, ASEAN và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế thông qua cam kết nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do. Lãnh đạo các nước ASEAN kỳ vọng hoàn tất đàm phán về Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm tới. Kể từ khi hai bên ký thỏa thuận vào năm 2010, giao dịch thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần, từ 235,5 tỷ USD lên 696,7 tỷ USD vào năm 2023. Các nhà phân tích cho rằng, miếng bánh về lợi ích kinh tế là lý do chính khiến nhiều thành viên ASEAN không muốn đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo nhà phân tích chính trị độc lập Adib Zalkapli, Đông Nam Á đang ở vị trí tốt để hưởng lợi từ đối thủ địa chính trị, nhất là trong bối cảnh các cường quốc đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo điều này đưa các nước ASEAN thành trung tâm của điểm nóng tiềm tàng.
Xung đột ở Myanmar
Đối với Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng nỗ lực của chính quyền quân sự Myanmar để đạt được hòa bình là chưa đủ, đồng thời hối thúc các bên chấm dứt bạo lực và các vụ tấn công nhằm vào dân thường. Các nước cũng đề nghị thực thi kế hoạch hòa bình mang tên “Đồng thuận 5 điểm”. Ông Adib Zalkapli cho rằng, chính nguyên tắc không can thiệp và quyết định dựa trên sự đồng thuận đã hạn chế vai trò của ASEAN trong vấn đề Myanmar. Năm tới Malaysia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và cũng là năm thứ 5 kể từ khi xảy ra vụ đảo chính quân sự ở Myanmar vào năm 2021.
Các nhà phân tích cho rằng, Malaysia sẽ được kỳ vọng nhiều vì nước này vừa là thành viên sáng lập khối, cũng như kinh nghiệm của Thủ tướng Anwar Ibrahim trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Bà Sharon Seah nói rằng, ông Anwar Ibrahim sẽ có một nhiệm kỳ bận rộn với các ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường sự đoàn kết trong khối, tạo sự cân bằng trong quan hệ kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc và các vấn đề an ninh ở Biển Đông.
LÊ QUẢNG (Theo CNA)