Vì những điều tốt đẹp cho cộng đồng
Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, không phân biệt tuổi tác hay xuất phát điểm. Mỗi chị một ý tưởng, một cách triển khai nhưng đều có chung mục tiêu là khẳng định giá trị bản thân, đem đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Kiên trì, mạnh mẽ trước khó khăn
Đam mê kinh doanh từ… trong máu, dù lắm lúc thất bại nhưng chị Nguyễn Thị Bích Liễu (SN 1989, phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn, chủ cơ sở ngũ cốc - trà hoa Cô Ba Bình Định) chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại. Liễu từng có thời gian ở TP Đà Nẵng kinh doanh các mặt hàng thời trang, hải sản, cà phê... nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, cửa hàng của chị buộc phải đóng cửa. Về quê với 2 bàn tay trắng, nhưng nhờ sự nhạy bén, chị Liễu nhìn thấy cơ hội sản xuất, kinh doanh hấp dẫn.
“Nhận thấy các loại đậu ở Hoài Nhơn phong phú, chất lượng cao, tại nhiều nơi bà con bắt đầu làm quen với lối canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, tôi nảy ra ý tưởng làm các sản phẩm ngũ cốc. May mắn là đúng lúc tôi đang tìm cách xây dựng quan hệ, tìm nguồn cung cấp tín dụng thì Hội LHPN phường Hoài Hảo tạo điều kiện cho tôi vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tôi tham gia nhiều kênh quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, tôi và cơ sở của mình đã vượt qua những khó khăn ban đầu”, chị Liễu tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Bích Liễu tư vấn cho khách hàng tại một phiên hội chợ ở TP Quy Nhơn. Ảnh: T.K
Cùng với kênh bán hàng truyền thống, sản phẩm của chị Liễu rất được lòng khách hàng ở các trang bán hàng điện tử như Lazada, Shopee. Theo chị Liễu, mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử giúp chị rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm. Và khi sản phẩm được nhiều người ưa chuộng đòi hỏi cơ sở của chị cũng phải tối ưu hơn trong khâu sản xuất, cải tiến máy móc, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, cơ sở của chị phát triển đều đặn, vững vàng.
Không trải qua những lần khởi nghiệp thất bại như chị Liễu nhưng sinh sống tại nơi có điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới không thuận lợi khiến chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (SN 1985, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) suy nghĩ, tìm kiếm loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, chị quyết định chọn trồng sâm bố chính. Nhờ cách làm thiết thực, dự án trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây sâm của chị đạt giải ba tại cuộc thi Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh, do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Theo chị Hiếu, từ cây sâm, ngoài bán cho đơn vị thu mua tươi, gia đình chị còn làm ra rượu sâm, trà sâm... Thời gian đến, với sự hỗ trợ của địa phương, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để phát triển hơn các sản phẩm từ cây sâm bố chính.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (giữa) tại vườn sâm bố chính. Ảnh: T.K
Lan tỏa nét đẹp, đặc sản quê hương
Về làm dâu tại Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), chị Hồ Thị Thân Thương (SN 1990) say đắm nét đẹp, sự hồn hậu, bình yên nơi quê chồng và muốn lan tỏa điều này đến với nhiều người hơn. Với sự hỗ trợ của hội LHPN địa phương, ngày 16.8.2024, HTX Thương mại và Dịch vụ Cồn chim xanh được ra mắt, chị Thương đảm nhiệm vai trò giám đốc.
Theo chị Thương, đến với HTX, du khách sẽ được ca nô chở qua Cồn Chim và trải nghiệm tham quan bằng xuồng ba lá. Ngoài ra du khách còn có thể chèo SUP, đánh bắt thủy sản chế biến tại chỗ, cắm trại qua đêm...
Không chỉ làm dịch vụ du lịch, 2 buổi/tuần chị Thương cùng một số tình nguyện viên tham gia vệ sinh môi trường tại Cồn Chim; tuyên truyền cho người dân bảo vệ môi trường, không vứt rác ra rừng ngập mặn. Ngoài ra, HTX của chị còn triển khai dịch vụ thu gom rác ở Cồn Chim nhằm giữ cho môi trường nơi đây trong lành, thanh sạch.
“Hiện dịch vụ của HTX thu hút khá đông du khách, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ chế biến một số sản phẩm từ sản vật địa phương như tôm một nắng, cua để du khách làm quà. Qua đó giúp du khách có được niềm vui trọn vẹn hơn”, chị Thương bày tỏ.
Cũng từ đồng đất quê mình, bà Trần Thị Duyên (SN 1966, phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, chủ cơ sở nước mắm Bà Duyên) hiện không chỉ kinh doanh nước mắm mà còn có mắm nêm, mắm ruốc, mắm mực. Ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, mỗi ngày bà có được 1.000 - 1.500 đơn hàng online nhờ có cô con gái giỏi ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo bà Duyên, nhiều năm trước, phường Hoài Hương mở lớp dạy làm nước mắm cho phụ nữ và bà tham gia. Sau đó, Hội LHPN phường Hoài Hương hỗ trợ bà vay vốn để khởi nghiệp. Sau thời gian khởi nghiệp thành công, bà có nhiều hoạt động hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn như: Cho nhiều hộ mượn vốn làm ăn không tính lãi, dạy nghề làm mắm, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương...
THẢO KHUY