Lớp của những học sinh đặc biệt
Hơn 12 năm qua, Hội CTÐ tỉnh cùng các thầy, cô giáo giàu nhiệt huyết, lòng yêu thương của Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đã nỗ lực tổ chức, duy trì lớp học Ước mơ vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Với Ước mơ, nhiều em bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mắc di chứng do chất độc da cam gây ra… đã có cơ hội đến lớp học tập, vui chơi.
Lớp học Ước mơ của các em khuyết tật tại Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh. Ảnh: D.Đ
7 giờ 30 phút sáng Chủ nhật hằng tuần, dù không có tiếng trống trường rộn rã báo hiệu giờ vào lớp, nhưng tại lớp học đặc biệt này luôn đầy ắp tiếng ê a, tiếng cười nói vui vẻ của những em không may bị khuyết tật. Lớp học Ước mơ hiện có 24 học sinh đang theo học, hầu hết trong độ tuổi học sinh, trong đó có những em đã theo học từ những ngày đầu mới mở lớp.
Các giáo viên Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh tận tình hướng dẫn các học sinh cách tô màu. Ảnh: D.Đ
Tại lớp học này, mỗi em đều có mức độ nhận thức khác nhau, vì thế để giúp các em biết đọc, biết viết, hiểu bài, các thầy cô và tình nguyện viên đã phải nỗ lực, tự tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy khác nhau, áp dụng cho từng em. Đơn cử, đối với môn tiếng Việt, các cô thường cầm tay chỉ dạy cho các em cách viết chữ, tập đánh vần, đọc hiểu những câu đơn giản. Ở môn Toán, sẽ hướng dẫn các phép tính cộng, trừ trong phạm vi từ 1 đến 20 và các em chỉ cần nhớ được chữ số là đạt... Mặt khác, sau khi hoàn thành bài, giáo viên còn chấm điểm và động viên, tặng quà để tạo niềm vui, khuyến khích các em phấn đấu hơn.
Một hoạt động tập thể của giáo viên cùng các học sinh khuyết tật. Ảnh: D.Đ
Có hơn 10 năm đứng lớp Ước mơ, cô Hà Thị Mỹ Thôi chia sẻ, để giáo dục học sinh bình thường, giáo viên vốn đã vất vả, nhưng với trẻ khuyết tật thì nỗi gian nan tăng lên gấp nhiều lần. Giáo viên thường sẽ dạy theo sở trường của mỗi em, giúp các em hứng thú với việc học; đồng thời phải thật kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các em.
“Sự khéo léo, kiên trì hướng dẫn của các thầy, cô giáo, tình nguyện viên đã giúp cho nhiều em kém may mắn không thể hòa nhập với cộng đồng, nay đã biết đọc, viết, vẽ, ca hát, nhất là biết vâng lời. Nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt vì vui mừng, khi chứng kiến sự tiến bộ hằng ngày của con em mình. Đó cũng chính là niềm vui chung của những thầy cô đứng lớp giảng dạy”, cô Thôi tâm sự.
Cô giáo Đặng Thị Phượng cầm tay hướng dẫn em Đinh Hồ Thảo Thuận (bệnh down) viết chữ cái. Ảnh: D.Đ
Chị Nguyễn Thị Hạ Cơ (43 tuổi, ở khu phố An Kim, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), mẹ của em Phùng Văn Long (13 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi cho cháu đi học tại lớp Ước mơ đã được 6 năm nay. Nếu không có lớp học này thì con tôi chỉ ở nhà chứ không thể đến lớp học nào khác. Cháu bị thiểu năng trí tuệ nên rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Nhờ đi học, nay cháu đã biết đọc bảng chữ cái, các con số, thích giao tiếp hòa nhập với mọi người và đặc biệt rất vâng lời cha mẹ”.
Còn bà Trần Thị Mai (70 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh) mẹ của chị Nguyễn Thị Ái Tâm (39 tuổi) bị di chứng chất độc da cam, đã theo học từ những ngày đầu mở lớp. Bà Mai xúc động nói: “Con gái khi ở nhà thường thủ thỉ tâm sự với tôi, là con rất thích đi học, vì quen được nhiều bạn mới; cô giáo tập vẽ, tập hát, múa, tặng quà… Gia đình tôi thực sự rất cảm ơn Hội CTĐ các cấp, nhà trường đã giúp đỡ các em khuyết tật như cháu”.
DUY ĐĂNG