Nghĩ vụn
• Tạp bút của PHÙNG HI
Con người khi trưởng thành, sải chân dài hơn, mắt nhìn xa hơn, bỗng thấy mọi thứ dường như nhỏ lại. Trong ca khúc Hà Nội và Tôi, nhạc sĩ Lê Vinh, một người từng dạy Toán như tôi, đã giản dị trải cảm xúc về nơi mình sinh ra “ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó”... Làng quê ngày còn bé to lớn lắm, tôi chưa bao giờ đi hết đầu làng đến cuối làng, nay chỉ vài bước chân là đi khắp và miệng còn ngân nga giai điệu trong một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”. Trả lời tất cả những “bí mật” mà người lớn hay dọa trẻ con, chuyện ma chẳng hạn.
Ngôi trường khi học lớp một, leo lên bậc cấp thấy cao lênh khênh, nay về thăm sao thấy thấp lè tè. Cô giáo, thầy giáo cũng gần gũi như tất cả những…người phàm chứ không còn là những người... khổng lồ biết tuốt như xưa.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN THÁI HÙNG
Hình dung trái đất, Việt Nam chỗ này, Đức, Ý chỗ kia rồi không ít người bỗng thấy quê hương sao bé nhỏ. Lại vớ vẩn buồn. Ước ao đất nước to lớn như Nga, như Mỹ, như Tàu để thấy dũng khí của dân tộc cùng một nền văn hóa lớn, thấy cái hào hùng của đất nước mạnh mẽ và giàu sang nhẽ phải đi cùng cái bao la của diện tích.
Nhưng nước nhỏ, con người nhỏ, biết mình nhỏ để bồi đắp nhân cách, học thức và hòa mình cùng văn minh nhân loại. Đó là một cách nếu không muốn nói là duy nhất để lớn lên. Ích lợi gì đâu khi vống lên như con ếch muốn to như con bò trong truyện ngụ ngôn La Fontaine.
Cũng lạ thay, con người khi trưởng thành lại nhìn cái nhỏ thành ra cái lớn lao. Nhìn con bướm vỗ cánh ở Tuy Hòa lại nghĩ đến cơn lốc ở Thượng Hải. Thấy chiếc lá rơi lại nghĩ về sự vô thường. Liệu một đời người có ngắn, hay sống thọ bảy tám mươi tuổi đã là quá sức với xác thân? Thấy một sat-na không còn khoảnh khắc mà là vô tận trong sự biến đổi của sinh diệt. Thấy được đời sống thường chỉ sai một ly đi một dặm, ứng với thí nghiệm của nhà toán học Edward Loenz rằng một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào sẽ dẫn đến một thay đổi lớn ở kết quả cuối cùng của phép tính.
Nhìn đôi chim trên cành, không có đăng ký kết hôn, chúng hạnh phúc đến đâu thì không rõ nhưng chắc chắn chúng không bỏ nhau, nếu còn sống! Ví dụ con người thoát ra khỏi áp lực buộc phải thành công, không được thất bại; nếu lấy chuyện ngọt bùi có cay đắng trong đời sống vợ chồng làm trọng, thì chuyện đi chung với nhau trên đường đời gần như là hiển nhiên.
Một trí thức, một nông dân về già đều mệt mỏi buông xuôi nhưng tâm thế mỗi người vẫn có cái khác nhau. Trí thức già, trong sâu thẳm, vẫn muốn thiên hạ nhớ đến mình, người ta vốn khó lãng quên trong cõi chữ. Còn ông nông dân- chuyện lãng quên, có lẽ chả có gì phải nghĩ vì tâm hồn của ông ta gởi vào đất đai, vào dòng nước, vào mùa màng và những cơn mưa. Ông dễ lãng quên đời và đời cũng nhanh nhẹn lãng quên ông. Thật ra đó cũng là một kiểu sung sướng không phải ai cũng thấu triệt.
Nhiều của cải thì hạnh phúc hay sống giản đơn mới hạnh phúc? Vua cà phê Trung Nguyên ưu tư với câu hỏi, tiền nhiều để làm gì, khi đã có rất nhiều tiền. Nhà sư Thích Minh Tuệ bảo không có của riêng thì khỏi phải lo mất cắp, khỏi lo âu trông giữ. Chưa biết ai sướng hơn ai.