Quản lý kinh doanh thức ăn đường phố:
Khó vẫn phải làm
Thức ăn đường phố (TĂĐP) - cách gọi chung nhóm thực phẩm được bày bán tràn lan dọc các vỉa hè, trên các tuyến phố đang có nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); trong khi, công tác quản lý các điểm kinh doanh thức ăn này lại hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khó vẫn phải tích cực thực hiện.
Một điểm bán hàng ăn bên đường phố Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Hiện nay, ở TP Quy Nhơn, hầu như con đường nào cũng có người kinh doanh TĂĐP. Trước cổng Trường Đại học Quy Nhơn và dọc theo đường Ngô Mây - nơi tập trung nhiều sinh viên - có rất nhiều điểm kinh doanh TĂĐP, với đủ các món như: cháo vịt, cháo bò, bánh canh, chuối chiên, bún, phở... Vào sáng sớm và khoảng từ 5 giờ chiều, lượng người có nhu cầu ăn uống đổ về đây rất đông, cho dù việc chế biến, kinh doanh còn tạm bợ, bàn ghế, dụng cụ phục vụ nấu nướng nằm ngay trên vỉa hè đông đúc người qua lại.
Qua tìm hiểu được biết, phần lớn người bán và người ăn, uống TĂĐP đều không quan tâm đến vệ sinh ATTP. Chị Lê Thị Bình - chủ một điểm bán TĂĐP trên đường Ngô Mây, cho biết: Tôi bán hàng ở đây 6 -7 năm rồi. Tôi không biết và cũng không quan tâm đến các quy định ATTP, chỉ biết thức ăn nấu ngon, giá rẻ, nhiều người đến ăn và không ai phàn nàn bị đau bụng là được rồi.
Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý TĂĐP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2012/TT - BYT ngày 5.12.2012 quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh TĂĐP. Tại điều 8 Thông tư này quy định: “Người kinh doanh TĂĐP phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định. Người kinh doanh TĂĐP phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Việc khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện”.
Tuy nhiên, quy định này lại gặp vướng mắc, khi những người buôn bán vỉa hè đều không muốn bỏ thời gian để tham gia tập huấn và khám sức khỏe. Ngay cả các đơn vị có nhiệm vụ tập huấn kiến thức ATTP cũng chưa nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu người bán TĂĐP, nên cũng khó mà tổ chức các lớp tập huấn.
Kinh doanh TĂĐP là hoạt động có điều kiện, phải tuân theo các quy định do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Do vậy, để từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh TĂĐP, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, ngày 29.3.2013, Sở Y tế Bình Định đã có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh TĂĐP. Theo đó, trong thời gian này, Sở sẽ tập trung vào các công việc như thông tin, tuyên truyền và giáo dục bảo đảm ATTP đối với hoạt động kinh doanh TĂĐP; tập huấn ATTP, khám sức khỏe cho người kinh doanh TĂĐP; thanh tra, kiểm tra, tổng kết đánh giá công tác bảo đảm ATTP đối với hoạt động kinh doanh TĂĐP…
Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, để bảo đảm vệ sinh ATTP đối với TĂĐP, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, quan trọng hơn cả là ý thức tự giác, trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi người chế biến, kinh doanh TĂĐP. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức cơ bản về ATTP, tẩy chay những quán ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh; đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý kịp thời các quán ăn đường phố không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP.
Lê Đức Hiền