Sử dụng điện thoại đúng cách trong học đường
Gần đây, việc học sinh đăng tải các đoạn video mang tính đùa cợt, chế giễu, không phù hợp với môi trường học đường lên mạng xã hội đã dấy lên nhiều lo ngại. Từ đó, nhiều quan điểm cho rằng không nên cho học sinh sử dụng điện thoại tại trường.
Liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động ở trường học, Bộ GD&ĐT có công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020. Theo đó, có thể hiểu quan điểm của Bộ GD&ĐT là không khuyến khích sử dụng điện thoại di động trong trường học nhưng không cấm và giao quyền quyết định cho giáo viên đứng lớp.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Diệu (huyện Tuy Phước) sử dụng điện thoại tra cứu thông tin trong một tiết học môn Địa lý. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Không thể phủ nhận điện thoại thông minh đã trở thành thiết bị hỗ trợ hữu ích cho hoạt động học tập, giúp học sinh tiếp cận nguồn tài liệu học tập phong phú, hỗ trợ học trực tuyến, kết nối với giáo viên, bạn bè…
Theo cô Lê Thị Ánh Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Diệu (huyện Tuy Phước), việc học sinh sử dụng điện thoại một cách đúng đắn hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập. “Chúng tôi cho phép học sinh mang điện thoại đến trường vì hiểu rằng điện thoại là công cụ học tập hữu ích. Ở nhiều nội dung môn học, điện thoại giúp các em tra cứu, tiếp cận nhiều nguồn thông tin chính thống, hỗ trợ tốt hơn cho việc học”, cô Hồng cho biết.
Tuy nhiên, việc quản lý, đưa ra các quy định về sử dụng điện thoại di động đối với học sinh là cần thiết. Cô Mai Thị Minh Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Nhà trường liên tục nhắc nhở học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ hằng tuần. Đồng thời kết nối với phụ huynh quan tâm, theo dõi, nhắc nhở, tránh để các em tiếp cận những thông tin không lành mạnh từ điện thoại”.
Các trường THCS có quy định nghiêm ngặt hơn. Theo thầy Thái Hợi, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), nội quy nhà trường không cho phép học sinh mang điện thoại đến trường. Ở độ tuổi THCS, các em chưa thể tự quản lý tốt thời gian cũng như nhận thức đúng về việc sử dụng thiết bị này. Nhiều học sinh lạm dụng điện thoại để lướt mạng xã hội, chơi game và thậm chí rơi vào tình trạng nghiện game, suy giảm rõ rệt trong kết quả học tập…
Thiết bị di động nói chung đang hỗ trợ con người ở rất nhiều lĩnh vực, nhưng cả học sinh và phụ huynh cần hiểu rõ và khai thác tốt tiện ích do các thiết bị đem lại, cần sử dụng đúng cách, đúng “liều lượng” để đạt hiệu quả cao nhất.
HỒ ĐIỆP