Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp với câu lạc bộ chuyên ngành
Khác với CLB kỹ năng hay sở thích, CLB chuyên ngành tại các trường đại học, cao đẳng không chỉ là nơi kết nối sinh viên với nhau mà còn là cánh cửa để họ rèn luyện chuyên môn, bồi đắp thêm tình yêu với ngành học mình chọn.
Chú trọng thực hành
Các CLB chuyên ngành có điểm chung là thiên về học thuật, tạo môi trường để sinh viên nắm chắc kiến thức chuyên môn, tuy nhiên mỗi CLB có những chương trình, hoạt động đặc trưng riêng.
Với khẩu hiệu “Bản thân nhà giáo dục cũng cần được giáo dục”, bên cạnh trao đổi nội dung bài học trên trường, CLB Những nhà giáo trẻ (Khoa Sư phạm, Trường ĐH Quy Nhơn) khuyến khích các thành viên thực hành, thông qua loạt chương trình như: Nhà giáo nói (trình bày các vấn đề liên quan đến giáo dục nhằm rèn kỹ năng thuyết trình trước đám đông), Ngày hội STEM (giới thiệu các mô hình tự làm, phục vụ việc giảng dạy) hay cuộc thi Nhà giáo thông thái (trau dồi kiến thức tổng quát về ngành học và xử lý tình huống sư phạm)…
Thành viên CLB Điện (Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) tìm hiểu các mô hình trong buổi sinh hoạt thực hành. Ảnh: D.L
Tham gia CLB đã 3 năm và ngày càng tự tin hơn, bạn Trần Thị Cẩm Ly (ngành Sư phạm Tiếng Anh K45 B, Trường ĐH Quy Nhơn) “bật mí”: CLB gợi mở nhiều điều mới mẻ, giúp các thành viên có những khám phá hết sức thú vị. “Chẳng hạn, không môn học nào ở trường dạy STEM nhưng đây lại là mô hình rất hữu ích khi ứng dụng vào giảng dạy. Trước đây, tôi nghĩ rằng STEM sẽ chỉ xuất hiện ở các nhóm ngành khoa học tự nhiên, còn những môn như Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh… sẽ không có. Tuy nhiên, khi tham gia CLB, chứng kiến các thành viên cùng lên ý tưởng và cho ra đời nhiều mô hình thú vị như sách Địa lý 3D, bản đồ tư duy Tiếng Anh dạng cây với nhiều ảnh minh họa…, tôi đã dần thay đổi và tập tành làm mô hình riêng”, Ly chia sẻ.
Tương tự, tại CLB Điện (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn), các thành viên chủ yếu thực hành các kỹ năng, như: Gia công các dụng cụ cầm tay; lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện; chế tạo robot. Ngoài ra, CLB còn tổ chức chuyên đề Nhà thông minh để giới thiệu thêm một số công nghệ mới, hiện đại đến sinh viên; tổ chức cuộc thi Robocon giúp rèn tay nghề, sức sáng tạo cho các thành viên…
Theo anh Trần Hữu Huy, Chủ nhiệm CLB, trực tiếp bắt tay vào thực hành thật nhiều là cách tốt nhất để sinh viên lành nghề. Yêu cầu đặt ra là các buổi sinh hoạt của CLB phải có đầy đủ mô hình, dụng cụ và hướng dẫn cụ thể để các thành viên thích thú, nhớ kiến thức và áp dụng được ngay.
Là 1 trong 2 nữ sinh của khoa, Nguyễn Ngọc Bảo Trân (SN 2006, CĐ K18 Cơ điện tử) tỏ ý thích thú với các mô hình robocon vừa được CLB Điện giới thiệu. Trân chia sẻ: “Hiện tại, tôi mới học cách cưa, cắt, khoan, bắt vít… Trong khi đó, để tạo nên robot thông minh lại cần nhiều hơn thế. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ từ CLB, tôi sẽ dần cải thiện kỹ năng và tự làm nên một sản phẩm cho riêng mình”.
Trao cơ hội, cùng rèn luyện
Ngoài trau dồi kiến thức, CLB chuyên ngành còn tạo cơ hội, trải nghiệm mới cho các thành viên, giúp các bạn hiểu hơn và yêu ngành học mình chọn.
Dù mới thành lập vào tháng 10.2023 nhưng CLB Tâm lý học (khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn) đã chọn cách “đời thường hóa”, đưa những khái niệm chuyên ngành khô khan trở nên dễ hiểu thông qua một số chương trình mới mẻ, như talkshow Phòng vệ tâm lý: Nhận diện trạng thái căng thẳng, cách đối diện và vượt qua nó; dự án Chạm vào cảm xúc (lắng nghe tâm sự và tư vấn qua e-mail); hướng dẫn kỹ thuật thiền thở và chánh niệm nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10.10)…
Không dừng lại ở việc giúp các thành viên biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân và hỗ trợ người khác, CLB còn nhờ ban cố vấn (giảng viên của khoa) kết nối, tạo cơ hội để các thành viên làm quen với các chương trình tư vấn tâm lý tại một số trường THCS.
Chị Trần Nguyễn Diễm My, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Việc trực tiếp lắng nghe những tâm sự thực tế của học sinh giúp các thành viên hiểu rõ và vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức chuyên ngành. Thậm chí, trong tương lai, một số thành viên vững chuyên môn có thể được trải nghiệm, tham gia mô hình Phòng tham vấn học đường tại các liên đội (do Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Quy Nhơn triển khai từ đầu năm học 2024 - 2025) theo sự hướng dẫn của ban cố vấn và nhà trường. Điều này đặc biệt ý nghĩa vì Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định mỗi trường có thêm vị trí tư vấn học sinh”.
Tương tự, ngoài sinh hoạt tại trường, CLB Điện còn có những chương trình ngoại khóa hay thực hành kết hợp tình nguyện tại các vùng sâu vùng xa, miền núi hay hải đảo… mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các thành viên.
Chia sẻ về “lần đầu” đáng nhớ, Nguyễn Đình Ngọc Châu (lớp CĐ K17 Cơ điện tử), thành viên CLB Điện, tâm sự: “Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), tôi đã sửa điện cho các hộ dân, ít nhiều vẫn còn lúng túng nhưng khi có chủ nhiệm CLB hướng dẫn và cùng làm với các bạn, tôi tự tin hơn và rất vui mình đã giúp được người khác bằng kỹ năng của mình”.
DƯƠNG LINH