Tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật
(BĐ) - Đây là một trong những nội dung được UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị: Sở NN&PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tại văn bản số 8149/UBND-KT.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố, đặc biệt đã có 1 người tử vong do nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H9; 1.007 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 47 tỉnh, thành phố; dịch lở mồm long móng xảy ra ở 18 tỉnh… Tại Bình Định, các loại dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhưng mầm bệnh nguy hiểm vẫn tồn tại trong môi trường.
Để chủ động, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển tái đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, kiểm soát tái đàn vật nuôi, nhất là đàn heo. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức tiêm phòng đợt 2; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, VietGAHP…
UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và điểm giết mổ. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh vật nuôi trong mùa mưa bão. UBND các xã có hoạt động chăn nuôi có trách nhiệm yêu cầu nhân viên thú y xã và trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, tái đàn và thực hiện khai báo chăn nuôi…
AN NHIÊN