Phù Cát quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU
Mong muốn chung sức gỡ cảnh báo thẻ vàng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, huyện Phù Cát tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm giải quyết vi phạm này. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, mọi việc đang chuyển biến theo hướng tích cực.
• Thời gian qua, hành vi khai thác thủy sản xâm phạm vùng biển nước ngoài do ngư dân của huyện Phù Cát thực hiện đã có sự chuyển biến thế nào, thưa ông?
- Số tàu cá Phù Cát xâm phạm vùng biển nước ngoài đều là loại tàu dài từ 12 m đến dưới 15 m, hành nghề câu mực/mành mực, thường xuyên hoạt động ở ngư trường các tỉnh phía Nam, hằng năm không đưa tàu về địa phương. Giải pháp căn cơ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh là vận động, yêu cầu chủ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để có thể theo dõi mọi hoạt động của tàu, kịp thời cảnh báo, can thiệp khi xảy ra vi phạm.
Huyện đã thành lập tổ công tác vào các tỉnh phía Nam (từ ngày 19 - 25.7) vận động, yêu cầu chủ tàu lắp thiết bị GSHT. Đồng thời ở quê nhà, tổ công tác các thôn, xã, thị trấn đến gặp người thân, đề nghị họ cùng với chính quyền thuyết phục chủ tàu lắp thiết bị.
Đến nay, 117/165 tàu đã lắp thiết bị GSHT. Số còn lại, huyện giao về thôn, xã, yêu cầu tiếp tục vận động lắp đặt hoàn thành vào cuối năm nay.
Từ tháng 5.2024 đến nay, toàn tỉnh chưa có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Phù Cát đang nỗ lực góp phần duy trì thành quả này.
• Được biết, huyện cũng đang nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản…
- Năm 2023 và năm 2024, trên địa bàn huyện Phù Cát có 11 tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; trong đó năm 2023 có 3 tàu, năm 2024 có 8 tàu. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 chủ tàu. Tuy nhiên, cả 10 chủ tàu này đều không chấp hành nộp phạt.
Trên cơ sở các quyết định xử phạt và chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Cát Khánh thành lập Tổ công tác tổ chức xác minh nguồn kinh tế, tài sản, thu nhập của 10 chủ tàu này; đồng thời gửi 5 văn bản đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các cơ quan, địa phương có liên quan đề nghị xác minh tình hình kinh tế, tài sản của họ.
Huyện Phù Cát đặt mục tiêu, đến cuối năm 2024, vận động thành công toàn bộ số tàu dài từ 12 m đến dưới 15 m có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: N.T
Tại nơi cư trú, huyện chỉ đạo chính quyền tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm trước cộng đồng dân cư; kiểm điểm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách hộ ngư dân có tàu cá vi phạm.
Đến nay, công tác xác minh vẫn đang được tiến hành, sau khi có kết quả, huyện sẽ đề xuất với tỉnh hướng xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh, tạo ra sự răn đe cần thiết để làm gương.
• Như vậy mọi việc đang có xu hướng thuận lợi và tích cực hơn?
- Đúng vậy. Theo tôi rõ ràng nhất là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của từng người dân, ở từng địa bàn về ý nghĩa và sự cần thiết, quan trọng của việc chống khai thác IUU.
Thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của lãnh đạo UBND xã, thị trấn có tàu cá đã vi phạm; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để tàu cá và ngư dân tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Kiểm điểm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách tàu cá theo Nghị quyết số 22-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện. Đồng thời phối hợp xử lý hiệu quả tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá bị cảnh báo, tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển…
NGỌC TÚ