Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt đang gia tăng
(BĐ) - Trong 2 ngày 22 - 23.10, Bệnh viện Bình Định (Bệnh viện mới) tổ chức chương trình khám, tư vấn, hội thảo khoa học với chủ đề “Tầm soát ung thư cổ tử cung”, với tham gia của TS.BS Lê Quang Thanh - Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác, chuyển giao, đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực sản phụ khoa giữa Bệnh viện Bình Định với chuyên gia TS.BS Lê Quang Thanh.
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo Chi, khoa Phụ sản (Bệnh viện Bình Định) chia sẻ về việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Ảnh: M.H
Thông tin tại hội thảo về tầm soát ung thư cổ tử cung cho thấy, ung thư cổ tử cung do nhiễm trùng dai dẳng với vi rút u nhú ở người (HPV). Nhiễm trùng HPV nếu không được điều trị sẽ gây ra 97% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Thông thường, phải mất 15 - 20 năm để các tế bào bất thường trở thành ung thư, nhưng ở những phụ nữ có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như HIV không được điều trị, quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn và mất 5 - 10 năm. Phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với phụ nữ không nhiễm HIV.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu, trong đó châu Á hiện chiếm 58% số ca tử vong. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng thứ 8 tính theo tần suất mắc mới trên 100 nghìn dân và là một trong 10 nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Lý giải gia tăng số ca mắc ung thư cổ tử cung tại nước ta dù có phương tiện, vắc xin, sàng lọc tốt, TS.BS Lê Quang Thanh cho biết: Nước ta có già hóa dân số, tuổi thọ tăng hiện trung bình 78 tuổi, là tuổi thọ rất cao. Cho nên, số ca mắc mới ung thư cổ tử cung sẽ tăng, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực. Đây cũng là tình trạng chung của các bệnh ung thư chứ không riêng gì ung thư cổ tử cung.
Hiện, Việt Nam và các nước trên thế giới đang triển khai chiến lược 90 - 70 - 90 để loại trừ ung thư cổ tử cung. “Đó là, 90% bé gái được tiêm ngừa vắc xin trước 15 tuổi; 70% phụ nữ, đặc biệt trong lứa tuổi từ 35 - 45 tuổi ít nhất được một lần sàng lọc ung thư cổ tử cung. 90% phụ nữ được xác định mắc bệnh cổ tử cung được điều trị”, TS.BS Thanh nói.
TS.BS Lê Quang Thanh thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Định. Ảnh: M.H
Trong khuôn khổ chương trình, TS.BS Lê Quang Thanh trực tiếp giao ban và khám, tư vấn cho bệnh nhân tại bệnh viện.
MAI HOÀNG