Cần quy định cụ thể để phát huy vai trò của cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ di tích, di sản
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 23.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tham gia phát biểu tại hội trường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, đã tiếp thu, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự thảo Luật lần này; đồng thời, tham gia góp ý 4 vấn đề đối với dự thảo Luật.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, đề cập về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa được quy định tại Điều 5, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh cho rằng, tại điểm c khoản 2 Điều 5 quy định việc cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi được nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật này. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì ĐB Hạnh băn khoăn các quy định liên quan đến trách nhiệm của cá nhân. Theo ĐB Hạnh có những trường hợp cá nhân phát hiện các hành vi vi phạm và cần có can thiệp trực tiếp, kịp thời. “Vậy trong trường hợp này, cá nhân đó cần làm gì và được phép làm gì, có cơ chế nào để bảo vệ họ khi không may xảy ra các tình huống pháp lý? Và nếu như phát hiện có các hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân có trách nhiệm làm lơ bỏ qua thì liệu có bị quy trách nhiệm không? Và cơ chế tiếp nhận thông tin do cá nhân đề nghị sẽ như thế nào và các biện pháp nào được áp dụng ngay khi phát hiện có hành vi vi phạm?”, ĐB Hạnh đặt câu hỏi.
Đồng thời, ĐB Hạnh kiến nghị cần có các quy định cụ thể hơn về nội dung trên để đảm bảo phát huy vai trò của cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ di tích và di sản.
Thứ hai, tại khoản 9 Điều 9, dự thảo Luật yêu cầu phải có ý kiến chấp thuận từ các cơ quan nhà nước trước khi thực hiện bảo quản, tu bổ di tích. Về quy định này, ĐB Hạnh cho rằng chặt chẽ, tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính có thể kéo dài, trong khi thực tế có trường hợp phát sinh cần xử lý ngay để bảo vệ di tích. Do đó, ĐB Hạnh đề nghị bổ sung quy định về trường hợp khẩn cấp, cho phép thực hiện các biện pháp bảo vệ tạm thời mà không cần chờ phê duyệt đầy đủ, nhằm bảo vệ tốt nhất di tích trong quá trình chờ đợi thủ tục.
Thứ ba, góp ý về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 28, có 5 yêu cầu trong việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích là cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản d, ĐB Hạnh đề xuất cân nhắc thêm cụm từ “giữ gìn sự toàn vẹn” vì giữ gìn sự toàn vẹn là yêu cầu tuyệt đối, nhưng yêu cầu tuyệt đối này lại áp dụng với những nội dung mang tính tương đối gồm giá trị của cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù... Vì đây là yêu cầu rất khó, cần chuyên môn sâu và dễ bị vi phạm trong thực tiễn nên cần xem xét kỹ hơn nội dung này.
Nguồn: BTV
“Tôi đề xuất thay cụm từ “giữ gìn sự toàn vẹn” thành “giữ gìn giá trị cốt lõi”, nhằm tập trung bảo vệ các giá trị gốc, giá trị cốt lõi mà không quá cứng nhắc trong việc tác động đến các phần khác”, ĐB Hạnh phát biểu.
Vấn đề thứ tư, ĐB Hạnh cho rằng, với yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh hiện nay và trong tương lai, sẽ có nhiều công trình, dự án được thực hiện có thể ảnh hưởng các yếu tố của di tích văn hóa như quỹ đất, cảnh quan, hiện trạng di tích... Và tại điểm d khoản 2 Điều 32 cũng quy định về: Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH và các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo thì chưa thấy có các nguyên tắc, quy định về cách xử lý trong tình huống này. Do đó, ĐB Hạnh đề xuất bổ sung quy định cụ thể hơn về “thay đổi hiện trạng di tích khi thực hiện các công trình, dự án phát triển KT-XH, quốc phòng- an ninh” trong Luật này và các luật liên quan.
N.HÂN