Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ
Tại Bình Định, mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả tích cực, nhưng số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) vẫn còn ít. Điều này đòi hỏi cần có thêm hỗ trợ, chính sách giải pháp hiệu quả hơn.
Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Tâm Linh (phường Bình Định, TX An Nhơn) vừa được công nhận là DN KH&CN vào tháng 11.2023. Đây là dấu mốc khẳng định nỗ lực đổi mới trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ cây sâm bố chính, một loại thảo dược giàu tiềm năng của DN. Công ty đã giới thiệu nhiều sản phẩm ra thị trường như trà hoa sâm, rượu sâm tổng hợp, đồng thời đang từng bước xây dựng quy trình sản xuất bún khô từ sâm kết hợp với gạo. Những sản phẩm này không chỉ đa dạng hóa mà còn hướng tới giá trị dinh dưỡng và sự tiện dụng cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hiện tại, công ty cung ứng từ 200 - 300 kg trà hoa sâm túi lọc và rượu sâm mỗi tháng.
Ông Trần Minh Tâm, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho các sản phẩm chiết xuất từ sâm bố chính, nhằm khẳng định chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Tâm Linh được công nhận DN KH&CN, hiện nay, sản phẩm trà hoa sâm túi lọc dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: T.LỢI
Đến nay, toàn tỉnh có 21 DN được công nhận là DN KH&CN, vượt mục tiêu 10 DN theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU. Một số DN như Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Năng lượng xanh và Công ty TNHH Sachi Nguyễn đã phát triển mạnh mẽ. Những DN này không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh, góp phần cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lượng cũng như tỷ lệ DN KH&CN còn thấp. Ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), cho biết nhiều DN chưa chú trọng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Một số DN dù có thành tựu nghiên cứu nhưng chưa đăng ký chứng nhận, làm hạn chế cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi từ nhà nước. Hơn nữa, mặc dù pháp luật quy định quyền lợi cho DN KH&CN, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo sức hút đủ lớn với cộng đồng DN. Điều này cho thấy cần có những cải cách mạnh mẽ trong cơ chế chính sách để thực sự thu hút và khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực KH&CN.
Để khuyến khích DN tham gia sâu hơn vào lĩnh vực KH&CN, Sở KH&CN đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền và tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho DN về vai trò của KH&CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ theo Quyết định 523/QĐ-UBND sẽ được đẩy mạnh, với mục tiêu tư vấn và giúp DN ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn.
Cùng với đó, tỉnh đang triển khai Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030, nhằm hỗ trợ các DN thương mại hóa sản phẩm sáng tạo và đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Việc hướng dẫn DN tiếp cận các đề án, chương trình khoa học cấp quốc gia và địa phương cũng là ưu tiên quan trọng. Thông qua các cơ chế này, DN sẽ có thêm cơ hội phát triển, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Sở KH&CN, chia sẻ: “Với những định hướng và chính sách hỗ trợ rõ ràng, chúng tôi kỳ vọng số lượng và chất lượng DN KH&CN sẽ ngày càng được nâng cao, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Sự kết hợp giữa nỗ lực từ phía chính quyền và tinh thần chủ động của DN sẽ là chìa khóa để Bình Định tiến xa hơn trên con đường hội nhập và khẳng định vị thế trong nền kinh tế hiện đại.”
TRỌNG LỢI