Chủ động ứng phó với bão số 6 (Trà Mi) và mưa bão cuối năm
(BĐ) - Chiều 24.10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh, chủ trì cuộc họp trực tuyến với chính quyền các địa phương nhằm rà soát, đánh giá các phương án phòng chống bão số 6 (Trà Mi) và công tác ứng phó thiên tai trong suốt mùa mưa bão năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, chủ trì cuộc họp. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy PTDS; đại diện các cơ quan liên quan.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, vào lúc 13 giờ ngày 24.10, bão Trà Mi ở vị trí khoảng 17,3 độ vĩ Bắc - 120,3 độ kinh Đông, trên đất liền phía Tây Bắc đảo Luzon (Philippines). Bão có sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 và đang di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15 - 20 km/h.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của cơn bão Trà Mi. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dự kiến trong 24 giờ tới, bão sẽ tiến vào biển Đông và trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024. Đến 13 giờ ngày 25.10, tâm bão được dự báo ở khoảng 17,4 độ vĩ Bắc - 117,8 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 690 km về phía Đông, với sức gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 được ban hành cho khu vực phía Đông Bắc biển Đông, đặc biệt từ vĩ tuyến 15 - 19 độ vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 115 độ kinh Đông.
Ông Hùng cũng cho biết, từ ngày 27 - 28.10, Bình Định có khả năng xuất hiện mưa diện rộng với lượng từ 60 - 100 mm, có nơi trên 120 mm, gây nguy cơ ngập úng cục bộ và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, một số diện tích cây trồng vụ Mùa 2024 chưa đến kỳ thu hoạch, bao gồm lúa gieo khô, cây kiệu và hành, chủ yếu nằm trên các ruộng cao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương báo cáo tiến độ thu hoạch nông sản, công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước… nhằm ứng phó với ảnh hưởng của bão Trà Mi. Ảnh: TRỌNG LỢI
Về thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.427 lồng bè với tổng thể tích 70.717 m³. Công tác đảm bảo an toàn cho lồng bè đã được triển khai để ứng phó với tình hình mưa bão sắp tới.
Bình Định có 164 hồ chứa nước có dung tích trên 50.000 m³, với tổng dung tích hiện đạt 180,3 triệu m³ (tương đương 26,4% thiết kế và bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023). Đặc biệt, 79 hồ chứa đã cạn nước, song các hồ còn lại được khẳng định đủ an toàn khi có mưa lớn.
Riêng hồ Định Bình - hồ lớn nhất tỉnh - đang được duy trì ở cao trình 75 m với dung tích 61,37 triệu m³, tương đương 27,1% dung tích thiết kế. Ông Chương nhấn mạnh, việc điều tiết nước đang được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du trong mùa mưa.
Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn báo cáo công tác thông tin, kêu gọi tàu thuyền về tránh bão an toàn ở địa phương. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh báo cáo, Bình Định hiện có 6.239 tàu thuyền với 43.673 ngư dân. Trong số này, 5.656 tàu cùng 39.816 ngư dân đang hoạt động ven bờ và neo đậu an toàn tại các bến. Số còn lại đang khai thác tại các vùng biển từ Nghệ An đến Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế đến Hà Tĩnh và khu vực từ Bình Thuận đến Kiên Giang. Ngoài ra, một số tàu đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực Bắc biển Đông.
Đại tá Đỗ Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, thông tin công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện nhằm chủ động ứng phó với bão Trà Mi. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp cùng Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và UBND các huyện ven biển đã liên hệ với các chủ tàu để thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão. Tất cả tàu thuyền đang hoạt động đều được khuyến cáo rời khỏi vùng nguy hiểm. Đến nay, không có tàu nào nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Cuộc họp triển khai trực tuyến đến UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành và địa phương theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, kích hoạt ngay các phương án phòng chống, ưu tiên thu hoạch sớm các loại cây trồng để giảm thiệt hại.
Đối với hồ chứa, cần rà soát kỹ, cân nhắc kế hoạch tích nước nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất trong năm tới. Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở, đặc biệt ở các huyện miền núi…
Người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát ngay toàn bộ công trình xây dựng, cầu, cống và đường công vụ đang thi công để khơi thông dòng chảy, tránh tình trạng ngập úng. Đồng thời, các đô thị cần khẩn trương cắt tỉa cây xanh nhằm bảo đảm an toàn trong bão. Ngành điện lực rà soát hệ thống, đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn. Việc liên lạc với các tàu thuyền trên biển phải được đảm bảo thông suốt. Tất cả ngư dân phải được cảnh báo kịp thời và hướng dẫn di chuyển an toàn trước khi bão đổ bộ. Sở TT&TT phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tính toán thuê thiết bị liên lạc vệ tinh cho Ban Chỉ huy PTDS cấp tỉnh và huyện.
Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lực lượng vũ trang gồm CA, quân đội cùng lực lượng địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng và phương tiện khi cần thiết. Công tác hậu cần tại chỗ phải được chuẩn bị chu đáo, nhất là tại các điểm di dời dân, đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tránh trú bão, lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ” cần được triển khai thực chất và đúng mức, cùng với việc kích hoạt phần mềm phòng chống thiên tai theo từng cấp độ cảnh báo bão lũ. “Tuyệt đối không được chủ quan. Sẵn sàng mọi tình huống để ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu.
TRỌNG LỢI