Bão số 6 khả năng tương tác với một cơn bão khác gây mưa rất lớn ở miền Trung
Theo chuyên gia, bão số 6 nhiều khả năng sẽ tương tác với một cơn bão khác gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung
Tại cuộc họp ứng phó với bão Trà Mi được Cục Quản lí đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức trong sáng 25.10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, chiều 24.10, bão Trà Mi đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Hưởng
"Hiện nay, ngoài khơi phía Đông của Philippines xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, dự báo trong 24 - 48 giờ tới sẽ mạnh lên thành bão và di chuyển đến phía Đông Bắc của đảo Luzon khiến bão số 6 chịu tương tác của bão đôi và suy yếu đi. Hoàn lưu bão số 6 tương đối rộng, mây đối lưu lệch về phía Tây nên Bắc và giữa Biển Đông sẽ chịu tác động của gió mạnh", ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.
Với hướng di chuyển của bão như dự báo hiện tại, khoảng chiều 26.10 ở vùng biển Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 6-7, sau khi bão tiến gần gió tăng lên cấp 8-9, khu vực đảo Lý Sơn cũng có gió mạnh tương tự.
"Theo tính toán sơ bộ, với hoàn lưu mây lệch về phía Tây, khả năng tối và đêm mai (26.10) đến ngày 29.10, bão Trà Mi gây mưa lớn ở Trung Bộ (từ Hà Tĩnh trở vào Bình Định, Phú Yên), vùng mưa lớn tập trung ở Quảng Trị cho đến Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai, lượng mưa ở khu vực này có thể lên tới 200-300mm, không loại trừ khả năng có những khu vực mưa với cường suất lớn", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Nguồn ảnh: Windy
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo do ảnh hưởng của bão số 6, từ hôm nay vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Theo Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 6 giờ 30 phút sáng 25.10 đã có 67.212 phương tiện, với 307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 6 để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước diễn biến của bão số 6, quân đội đã huy động 285.480 người trong đó (bộ đội 86.019, dân quân tự vệ 199.461), 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Cụ thể, Quân khu 3 huy động 51.075 người, 582 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 4 huy động 135.781 người, 1.195 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 5 huy động 55.163 người, 1.660 ô tô, tàu xuồng và 3 máy bay. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 4.600 người, 206 phương tiện và 8 máy bay. Binh đoàn 18 huy động 30 người, 2 máy bay trực thăng, 4 ô tô.
Để ứng phó với bão số 6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện chỉ đạo chủ động ứng phó bão số 6; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc ứng phó với bão ần Biển Đông; Bộ Ngoại giao cũng đã có Công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an đã có Công điện về việc ứng phó với bão...
Theo Văn Ngân (VOV.VN)