Nguy cơ tăng tính cảm nhiễm đối với bệnh cúm mùa Đông Xuân
Tỉnh Bình Định vừa ghi nhận ca tử vong do cúm A/H1 trên bệnh nhân 51 tuổi. Vậy, cúm A/H1 lây nhiễm như thế nào; mức độ nguy hiểm ra sao và cách phòng bệnh? Báo Bình Định phỏng vấn ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế.
· Xin ông cho biết nguồn lây của bệnh nhân tử vong được xác định nhiễm cúm A/H1 tử vong tại huyện Vĩnh Thạnh?
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: M.H
Trường hợp tử vong là bệnh nhân nam 51 tuổi, ở khu phố Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Bệnh nhân khởi phát bệnh từ ngày 12.10 với nhiều triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè, người nhà tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc) nhưng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân sốt cao, mệt nhiều nên được đưa đến nhập viện tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh 1 ngày sau đó. Từ ngày 13 - 16.10, bệnh nhân điều trị tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh với chẩn đoán: Viêm phổi biến chứng suy hô hấp + theo dõi tràn dịch màng phổi + trào ngược dạ dày thực quản + theo dõi sốt xuất huyết Dengue.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến lên BVĐK tỉnh ngày 17.10 với chẩn đoán: Viêm phổi lan tỏa 2 bên - Sốc nhiễm khuẩn/Hội chứng Cushing do thuốc. Tiên lượng bệnh nặng nên đến chiều tối cùng ngày người nhà xin đưa bệnh nhân về và tử vong tại nhà.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã giám sát trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với cúm A/H1pdm.
Cúm A/H1 là loại cúm mùa lưu hành ghi nhận hằng năm tại nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Nguồn lây của bệnh nhân tử vong tại huyện Vĩnh Thạnh đang được ngành y tế tiếp tục điều tra.
Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng, điều tra, báo cáo tình hình diễn biến ca bệnh và các hoạt động xử lý theo quy định.
· Đây có phải là bệnh nhân đầu tiên dương tính với cúm A/H1 ghi nhận tại Bình Định không, thưa ông?
Từ đầu năm 2024 đến nay, giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, toàn tỉnh đã điều tra, xét nghiệm và ghi nhận 3 trường hợp cúm A/H1 tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh; trong đó 1 ca tử vong tại huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, đã điều tra giám sát 1 trường hợp viêm phổi nặng có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1 địa chỉ tại tỉnh Phú Yên nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Định.
Như trên tôi nói, hiện cúm A/H1 dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Mặc dù không nguy hiểm như những bệnh cúm thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A khác, nhưng những người nhiễm cúm A/H1 hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.
Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250 - 500 nghìn trường hợp tử vong do cúm.
· Chủng cúm A/H1 xuất hiện lần đầu tại nước ta vào năm 2009, ở thời điểm đó đã xuất hiện dịch nên được gọi là “cúm đại dịch”, vậy hiện nay có lo ngại cúm đại dịch quay lại?
Bệnh cúm A/H1 lây từ người sang người qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp chủ động phòng bệnh cúm mùa. Trong ảnh: Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ảnh: M.H
Tại Việt Nam, hằng năm vẫn ghi nhận từ 600 nghìn đến 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do vi rút tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1.
Việc đánh giá nguy cơ, dự báo liên quan đến đại dịch cần có các bằng chứng về y tế từ các chuyên gia các cấp, hiện ngành y tế Bình Định chuẩn bị kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn.
· Ngành y tế triển khai những giải pháp nào để phòng chống bệnh cúm này, thưa ông?
Ngành y tế tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân này và người dân sống trong khu vực để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ và có kế hoạch xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Tiếp tục triển khai hoạt động giám sát những trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế, điều tra và lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang chẩn đoán xác định. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở điều trị.
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng chống bệnh cúm tại cộng đồng, nhất là nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Đặc biệt lưu ý, trong thời gian mùa Đông Xuân sắp tới, khí hậu lạnh ẩm, nguy cơ làm gia tăng tính cảm nhiễm đối với bệnh cúm. Rà soát, chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư… sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
· Vậy, ông có khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng bệnh cúm A/H1?
Người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh cúm mùa thông thường nói chung và bệnh cúm A/H1 nói riêng, như sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
· Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)