Tăng cường quản lý trên bờ, phát hiện trên biển và xử lý vi phạm thông qua công nghệ đối với khai thác IUU
(BĐ) - Chiều 25.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội với sự tham gia của các bộ, ngành và trực tuyến tới 28 địa phương có biển trong cả nước.
Tham dự hội nghị, tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương ven biển của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.T
Hội nghị một lần nữa rà soát những tồn tại, hạn chế và tiếp tục bàn bạc, tìm kiếm giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để không chỉ thuyết phục Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) trong lần sang Việt Nam kiểm tra nỗ lực khắc phục cảnh báo thẻ vàng sắp tới mà còn hướng đến việc làm sao để chính người dân cùng đồng hành, hưởng ứng với chính phủ, chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm gốc rễ tồn tại, phát triển bền vững ngành thủy sản, kinh tế biển.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, đại diện các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển gồm Quân chủng hải quân, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư đã lần lượt phát biểu, nêu khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển thời gian qua; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp để kiểm soát tốt hơn tàu cá đánh bắt trên biển, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những tàu có ý định xâm lấn vùng biển nước ngoài.
Tiếp đó, Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Thủy sản Việt Nam liên quan đến một số bất cập trong quy định pháp lý hiện hành gây ảnh hưởng đến công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. Hai hiệp hội yêu cầu làm rõ nguyên nhân của việc mất kết nối, nhất là nguyên nhân chủ quan để có hình thức xử lý thích đáng và xem xét việc đưa ra quy định tàu dài từ 12m đến dưới 15m phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành địa phương đề xuất nên tính toán hợp lý khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng hiện nay trên biển nhằm tạo ra sự phối hợp, hỗ trợ cần thiết, giúp tăng tính hiệu quả. Trường hợp xâm phạm vùng biển nước ngoài, cùng với những hình thức xử lý hiện tại, cần tính toán thêm đến việc xử lý tịch thu phương tiện là chiếc tàu. Bộ Tư pháp cho rằng, về lâu dài, cần có những giải pháp đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bên liên quan thì mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn bởi suy cho cùng, xử lý vi phạm chỉ là phần ngọn, phần gốc là việc quản lý tàu thuyền, kiểm soát hành trình tàu ra khơi đánh bắt, mọi việc cần được xem xét, tiến hành một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Thời gian qua, cùng với cả nước, Bình Định đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, hoàn thành việc cấp đăng ký cho 970 tàu cá chưa đăng ký (tàu 3 không) theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. 100% tàu cá có chiều dài từ 15mtrở lên tham gia hoạt động đánh bắt hải sản đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập Cảng cá và Trạm Kiểm soát Biên phòng, không cho xuất bến khi không có tín hiệu thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã xử phạt 109 trường hợp vi phạm khai thác IUU với số tiền trên 11 tỷ đồng...
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC, Bình Định kiến nghị các bộ ngành trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trên biển. Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng và tổ chức ký kết quy chế phối hợp quản lý tàu cá đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển. UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các đơn vị chức năng kiên quyết không cho tàu Bình Định chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, không có đầy đủ giấy tờ theo quy định được xuất bến và xử lý nghiêm những tàu vi phạm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tất cả các bên liên quan, trên bờ lẫn trên biển đều phải tích cực vào cuộc để sớm tạo chuyển biến trong công tác chống khai thác IUU. Ông yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương xử lý dứt điểm số tàu chưa đăng ký, đăng kiểm trước ngày 20.11. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT-TT rà soát, nâng cấp hệ thống quản lý tàu cá hiện hành sao cho cơ sở dữ liệu hoàn thiện hơn, có thể quản lý toàn bộ lộ trình của từng chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Liên quan đến việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, ông cho rằng các bên liên quan cần nghiên cứu gắn thiết bị thế nào để ngư dân không thể tháo rời. Các lực lượng trên biển thời gian tới phải khoanh vùng biển để kiểm soát tàu cá hiệu quả hơn nữa. Bộ NN&PTNT cùng các hiệp hội cần quy định rõ trách nhiệm các DN mua bán, chế biến, xuất khẩu thủy sản, theo đó tạo ra áp lực với người cung cấp nguyên liệu, đòi hỏi họ phải làm tốt công tác truy xuất hàng hóa, tăng cường công tác kết nối với ngư dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương soát xét các dự án đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là cảng cá, sớm đề xuất chính phủ bố trí kinh phí xây dựng, nâng cấp…
NGỌC TÚ