Giàu lên nhờ nghề đan nhựa giả mây
Chị Trương Thị Kim Hường (44 tuổi, ở thôn Tân Thành, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) chia sẻ, những năm trước đây, gia đình tôi chủ yếu đi làm thuê, làm mướn trong huyện, thu nhập bấp bênh, không đủ chi trả cho sinh hoạt hằng ngày. Năm 2019, sau khi được Hội LHPN xã Ân Tường Đông cho đi tham quan một số mô hình nghề đan tủ, bàn, ghế bằng dây nhựa giả mây ở một số huyện trong tỉnh, chị nhận thấy đây là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển, nên quyết tâm vay mượn mở một xưởng nhỏ tại nhà.
Đến năm 2021, được sự tư vấn, hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc chi hội phụ nữ thôn Tân Thành, chị Hường vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư mở rộng nhà xưởng, nhập thêm nhiều máy móc nén khí, súng bắn đinh, mua vật liệu, tuyển thêm nhiều nhân công mới, nguồn hàng theo đó lại dồi dào thêm, càng lúc chị trở thành đối tác được nhiều công ty trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Chị Trương Thị Kim Hường (trái) hướng dẫn công nhân đan nhựa giả mây các chi tiết của sản phẩm. Ảnh: T.C
Cũng theo chị Hường, nghề đan bàn, ghế, tủ nhựa đơn giản, chỉ cần học khoảng 7 - 10 ngày có thể gia công thành thạo. Nghề này trẻ em và người lớn đều có thể làm được, chỉ cần chút khéo léo, nhanh tay và tỉ mỉ. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị nhận gia công từ 18.000 - 20.000 sản phẩm do các công ty đặt làm. Để đảm bảo nhân công, ngoài công nhân đang làm việc tại xưởng, chị còn hợp tác thêm trên 200 hộ dân trong xã, nhận hàng về nhà làm thêm khi rảnh, miễn là hoàn thành các sản phẩm với số vật liệu quy định, mang lại nguồn thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh làm nghề đan nhựa giả mây, chị Hường còn chú trọng phát triển chăn nuôi bằng việc nuôi thêm 10 con heo nái, 4 con bò lai sinh sản, mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Qua đó, nâng tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình đạt trên 400 triệu đồng.
“Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện mua thêm xe tải để vận chuyển hàng, mở rộng cơ sở, mua máy tạo khung cho các sản phẩm, phát triển thêm nhiều mẫu mã mới và đưa đi tiêu thụ các thị trường trong, ngoài tỉnh. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân trong vùng”, chị Hường nói.
Bà Thái Hồ Như Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Tường Đông, đánh giá: Chị Trương Thị Kim Hường không chỉ là hội viên làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ, tổ tiết kiệm và vay vốn của xã. Chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; vận động các hội viên khác cùng thực hiện gửi tiền tiết kiệm định kỳ, giúp chị em vừa nâng cao ý thức tiết kiệm, vừa có sẵn nguồn vốn để đáo hạn và kịp thời hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
TRIỀU CHÂU