Chính sách răn đe hạt nhân của một số quốc gia
Các chuyên gia cho rằng, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không có ý định từ bỏ bom nguyên tử trong chiến lược quân sự.
Năm nay, giải Nobel hòa bình được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo (Nhật Bản), được thành lập năm 1956, với thành viên là những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki hoạt động với mục tiêu chính là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và loại bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Shigemitsu Tanaka, một trong những nạn nhân nói rằng, tình hình quốc tế đang ngày càng xấu hơn và nhiều cuộc chiến đang được phát động khi mà các nước đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các nước hiện sở hữu vũ khí hạt nhân bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Israel cũng được cho là có kho vũ khí hạt nhân nhưng nước này chưa chính thức thừa nhận. Mặc dù không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào biến lời đe dọa này thành hiện thực trong các cuộc xung đột từ sau năm 1945, nhưng trong chiến lược của các nước này vẫn có những đe dọa hạt nhân gián tiếp hay trực tiếp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì phiên họp của Hội đồng An ninh tại Moscow ngày 25.9 để thảo luận về việc thay đổi quy định răn đe hạt nhân. Ảnh: POOL / AFP-JIJI
Chẳng hạn, Nga liên tục dùng vũ khí hạt nhân làm công cụ để ngăn chặn phương Tây hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi xảy ra giao tranh với nước này từ tháng 2.2022. Theo ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin úp mở về khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đáp trả đe dọa từ Nga, ngày 14.10, NATO bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn mang tên Steadfast Noon, kéo dài 2 tuần. Liên minh này nhấn mạnh rằng, đây là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả của lực lượng răn đe hạt nhân. Nhà khoa học chính trị tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp Bruno Tertrais cho rằng, với giải thưởng này, Ủy ban Nobel muốn gửi 1 “thông điệp mạnh mẽ” đến Nga, khi mà lãnh đạo nước này đang “bình thường hóa”, thậm chí “đơn giản hóa” những vấn đề về sử dụng vũ khí hạt nhân. Còn tại Trung Đông, Israel, quốc gia duy nhất trong khu vực sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng đe dọa đáp trả một cách “chết chóc, chính xác và bất ngờ” sau vụ Iran tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel ngày 1.10.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tehran đạt được bước tiến quan trọng trong chương trình hạt nhân và hiện có đủ nguyên liệu để phát triển nhiều hơn 3 quả bom nguyên tử, trong khi Iran khẳng định hoạt động hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục tiêu hòa bình và để sản xuất năng lượng.
Trên Bán đảo Triều Tiên, quan hệ liên Triều đang căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng cho nổ các tuyến đường kết nối 2 nước. Trước đó, khảo sát do Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc tiến hành cho thấy, 66% người được hỏi bày tỏ “sự ủng hộ” hoặc “ủng hộ mạnh mẽ” cho vấn đề răn đe hạt nhân độc lập. Mặc dù Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nói rằng, nước này hiện không xem xét phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Thị trưởng TP Seoul Oh Se-hoon, ứng cử viên tiềm tàng cho vị trí Tổng thống vào năm 2027, lại cho rằng Hàn Quốc cần có vũ khí hạt nhân ngay lập tức. “Vũ khí hạt nhân chỉ có thể được đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”, ông nói.
Học thuyết hạt nhân tiêu chuẩn, vốn được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, được dựa trên giả định rằng các bên sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân do hậu quả quá khốc liệt và vì sự trả đũa bằng hạt nhân cũng sẽ gây ra sự tàn phá tương tự ở nước phát động tấn công. Theo ông Lukasz Kulesa, Giám đốc về phổ biến vũ khí và chính sách hạt nhân tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc không bao giờ từ bỏ học thuyết “không tấn công đầu tiên”.
Các quốc gia khác cũng phát tín hiệu rằng, sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng, nhưng việc giữ cân bằng giữa đe dọa và kiềm chế chưa bao giờ ở ngưỡng an toàn. “Luôn luôn xảy ra khả năng cam kết bị phá bỏ, cũng như nguy cơ căng thẳng leo thang đến mức độ sử dụng hạt nhân”, ông Lukasz Kulesa nói.
LÊ QUẢNG (Theo AFP)