Tiếng gà quê
Tạp bút của NGUYỄN LAN QUY
Sáng nào má cũng cắp cái cảo thức ăn hỗn hợp ra sau nhà. Nào chuối cây xắt nhỏ, cám gạo, bột mì, vài nắm lúa trộn đều lên. Ngó nghiêng ra góc vườn, rồi gọi lũ gà. Chút... chút... chút! Tiếng của má lảnh lót kéo dài, vang khắp khu vườn rộng. Lũ gà chỉ chờ có vậy. Tụi nó vừa bay, vừa chạy, vừa la quác quác quác, gọi bạn bè, anh chị em con cháu, mau về mà ăn. Bầy gà con cũng líu ríu chạy thật nhanh, những bước chân mỏng manh, cuống quýt, thỉnh thoảng vấp vào đám gai mắc cỡ ngã lăn cù, rồi đứng dậy chạy tiếp, cố vươn đôi cánh mong manh chạy về mảnh sân quen thuộc.
Cả đàn gà trăm con cắm cúi đầu mổ, giành ăn chí chóe. Thằng gà trống chỉ cục cục giục giã, gắp một hạt thóc vàng hươm để một phía, thả xuống đất rồi tục tục. Vài ba con mái cái mào đỏ chót chạy lại, ép sát thân mình đẫy đà trước bộ ức lực lưỡng của gã thủ lĩnh. Con gà dò nhép trụt đuôi, thân hình không có cọng lông nào, vội chạy lại. Chưa kịp mổ hạt thóc, thì đã bị con gà trống mổ một phát chí mạng. Nó kêu lên thất thanh rồi chạy dạt ra xa. Những tiếng kêu của gà mái, gà trống, gà choai, gà nhép rộn ràng cả một khoảnh vườn của má.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Quê tôi ở một vùng bán sơn địa Cát Lâm (Phù Cát) còn mấy tháng nữa là Tết đến, nghe chuỗi âm thanh rộn ràng ấy lòng ai chẳng rộn ràng vui.
Má cười hớn hở, quay lại nhìn ba, rồi nói: “Coi bộ năm nay nhà mình có gà bán sắm Tết, còn dành mấy con gà cồ để lũ nhỏ về làm thịt cho nó ăn. Hén ông…”. Ba tôi gật gù, nhìn qua những giọt nắng sớm vừa mới lú ra, rọi xuống hiên nhà. Cái nắng đầu đông chao chát đến lạ: “Cũng chưa chắc đâu! Tui chỉ cầu trời cho cuối năm đừng có mù sương. Trời mà mù sương, cây cối còn chịu hông nổi, chớ nói chi tới gà. Trời nhiều khi cho thấy mà hổng cho ăn, tưởng miếng cơm lên miệng rồi còn rớt xuống!”.
Nhà tôi giữ lệ cũ, lũ gà của má không biết cám công nghiệp là gì. Người ta nuôi gà ba, bốn tháng là con nào con nấy ba bốn ký, gà của má chỉ ăn bột mì, chuối cây, cám gạo... bữa nào sang lắm má thêm ít lúa trộn đều. Ba cất công đi xin cái lốp ô tô cũ, cày cục hơ lửa con dao rồi cắt dọc, làm thành hai cái máng ăn cho gà. Vậy nên gà của má, con nào con nấy dai chắc thịt, ngon ngọt gì đâu. Thành ra bán được giá hơn, lại rất dễ bán… Má tôi hay cười cười ý nhị, ông bà mình cấm có sai, “khôn ngoan chẳng lọ thật thà, lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”.
Năm nay trời mưa muộn. Càng bất thường má tôi càng thêm lo lắng. Lo xa lo xôi. Chiều vừa xuống má đã gầy bếp lửa cháy ngún, ấm cúng. Để mỗi lần mưa xong má đi gom gà con lại. Con nào con nấy ướt mẹp lông co ro run rẩy. Vậy mà bên bếp lửa ấm, bọn nó đã khô lông mở mắt và lanh lợi trở lại.
Má tôi tỉ mỉ lót từng cái ổ gà, đi hái lá chùm hôi treo lủng lẳng khắp chuồng. Kinh nghiệm ông bà để lại, mạt gà nó kị mùi lá chùm hôi, nên treo vậy để phòng. Chứ đám mạt gà phiền toái lắm. Má chắt chiu từng cái trứng, với niềm tin về một đàn gà con đỏ vàng líp chíp đầy sân. Má sẽ có tiền mua cho chị em tôi tập vở, bộ quần áo hoa mới. Niềm vui của má đơn giản là vậy! Đơn giản là vậy nhưng mãi đến khi tôi cũng làm má, cũng phải lo lắng cho con mình, phải đến lúc ấy tôi mới hiểu hết nỗi lòng của má.
Đêm. Tiếng mưa rơi trên mái nhà lộp lộp. Tôi nghe má thở dài, rồi làu bàu: “Mưa quài he, có chuồng không chịu ngủ. Cái giống gì, con nào đủ lông cũng muốn bay trên cành cao he! Mưa gió lạnh lẽo chẳng chịu vô chuồng cho ấm!”. Má nơm nớp lo mỗi khi trời mù sương, nên lúc nào cũng trữ bình rượu tỏi trong nhà, để trộn cho gà ăn mỗi khi trở trời. Sáng ra, má nhìn lên cành cây, hễ thấy con nào vẫn còn đậu trên cành cái đầu thòng xuống, là biết nó bị ốm. Má làm đủ cách để cứu chữa cho đàn gà. Rồi hết mùa, má lại tiếp tục gầy đàn. Lại lót ổ, lại dành dụm mấy hột tấm xíu xiu cho gà mới nở.
Tôi yêu quê tôi, một vùng bán sơn địa bạc màu, nghèo khó. Một tình yêu giản dị thế thôi và thật khó cắt nghĩa để bạn hiểu, bạn tin. Và vì yêu quê, tôi học ngành chăn nuôi trồng trọt, với một suy nghĩ đơn giản, để về quê bám đất bám vườn mà sống. Nay tôi đã toại nguyện khi được sống ở quê. Ở quê thì phải nuôi cấy, phải trồng trọt, tôi không muốn phải canh cánh lo nỗi lo của má ngày xưa, mỗi khi trời đổ sương mù, trời mưa rả rích, mỗi khi trời nắng hạn điên người. Tôi không muốn nhìn ruộng lúa, đám đậu của cha bị đùn ngọn xanh đen; trái ớt mình trồng mắc bệnh thán thư thối trái. Tức là tôi muốn giảm dần sự phụ thuộc vào “trời”, vào thói quen cầu âu, “được chăng hay chớ” đã ăn vào thâm căn cố đế thế hệ ba má tôi.
Sống ở quê có nhiều niềm hạnh phúc, được hít một hơi căng tràn lồng ngực bầu không khí trong lành mát rượi cả phổi, được nghe tiếng gà gáy sáng rộn rã tin yêu, nghe tiếng trâu bò ọ ọ lúc chiều về hồn hậu... Nó giống như bản tình ca muôn thuở của người quê, rộn rã giữa lòng quê thân thương, bình dị biết chừng nào.
Đêm hôm qua tôi nghe đài báo tin bão xa. Đến nửa đêm về sáng thì mưa dội xuống ầm ào. Má tôi trở mình làu bàu như thói quen xưa cũ, định làu bàu nhưng rồi kịp nuốt lại lời. Tôi mỉm cười trong đêm tối, đàn gà nhà tôi vẫn ăn uống như xưa cũ, vẫn lúa, cám gạo, chuối cây, bột mì...vẫn vị thuốc dân gian đơn giản mà hiệu nghiệm bó lá chùm hôi nhưng gà nhà tôi không ngủ trên cây nữa. Đến cuối ngày, cả những con được phép đi ăn thả rông cũng bị lùa vào chuồng, chuồng làm bài bản cao ráo, che chắn gió mưa, nền chuồng lót nệm sinh học phòng bệnh tươm tất…
***
Và tôi. Từ bây giờ tôi đã chờ nghe tiếng gà nao nức gọi xuân. Tiếng gà thay đổi theo mùa đấy, bạn có biết không. Nhưng đó lại là chuyện của một tạp bút khác mất rồi.