Cần phân cấp, phân quyền triệt để, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư công
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng 26.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở Tổ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý), một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Kinh tế tăng trưởng tích cực
Tham gia thảo luận ở Tổ, đại biểu (ĐB) Hồ Đức Phớc -Phó Thủ tướng Chính phủ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã thông tin đến các vị ĐBQH về tình hình phát triển KT-XH của đất nước trong 9 tháng đầu năm 2024.
Đại biểu Hồ Đức Phớc - Phó Thủ tướng Chính phủ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã thông tin đến các vị ĐBQH về tình hình phát triển KT-XH của đất nước trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết lĩnh vực. Trong đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%; thu ngân sách nhà nước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1%, chỉ còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 được LHQ đánh giá xếp hạng tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia...
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, Chính phủ và các địa phương đã rất quyết liệt trong việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Theo đó, huy động được nguồn lực xã hội 2,15 nghìn tỷ đồng, Chính phủ hỗ trợ 432 tấn gạo và 430 tỷ đồng ngân sách trung ương khắc phục thiệt hại bão số 3. Ngoài ra, các địa phương còn nỗ lực đảm bảo các nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các ĐBQH quan tâm, ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Đơn cử là vấn đề đầu tư công giải ngân chậm, 9 tháng đầu năm 2024 mới giải ngân được 42% so với chỉ tiêu Quốc hội giao, theo đồng chí Hồ Đức Phớc nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
“Trước yêu cầu đặt ra là lấy đầu tư công là làm nguồn "vốn mồi" cho đầu tư tư nhân, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Đầu tư công, xây dựng Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy phát triển, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay”, đồng chí Hồ Đức Phớc thông tin.
Tương tự, tại các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện tỷ lệ giải ngân cũng mới chỉ đạt hơn 50%, nguyên nhân là do sự lúng túng trong quá trình thực hiện, ngay từ khâu giao vốn hoặc liên quan đến vấn đề phân cấp không rõ ràng.Theo Phó Thủ tướng, cần phân cấp, phân quyền triệt để, rõ ràng về vốn đầu tư công, ví dụ khoản nàothuộc tỉnh thì phân về tỉnh để HĐND tỉnh và UBND tỉnh điều hành nhưng vẫn có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ.
Đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ tiếp cận hệ thống pháp luật
Tham gia thảo luận về báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, kết quả đạt được trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đã tạo nên thành quả rất lớn. Việc hoàn thiện thể chế đóng góp rất lớn vào kết quả phát triển KT-XH, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ đạt được. “Hệ thống pháp luật hiện hành có trên 230 đạo luật, để triển khai luật có khoảng 1.000 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các nghị định, quyết định và khoảng 7.000 thông tư của các bộ và 27.000 văn bản của chính quyền các cấp ở địa phương. Hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta cơ bản đầy đủ, từng bước hoàn thiện, nhất là nội dung luôn có sự điều chỉnh toàn diện ở các lĩnh vực. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước luôn có sự quan tâm trong vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Minh chứng là các kỳ họp Quốc hội từ đầu khóa đến nay công tác lập pháp rất nặng nề, triển khai rất mạnh mẽ. Nhất là Kỳ họp thứ 8 này, khối lượng công tác lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay với việc cho ý kiến 12 đạo luật, dự kiến thông qua 16 đạo luật và 2 nghị quyết; đều là các vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, đặc biệt là phát triển KT-XH”, ĐB Ba dẫn chứng.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật đã tạo được thành quả rất lớn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Ba, Chính phủ có đề ra nhiệm vụ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai ,minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công tác tổ chức theo dõi thi hành pháp luật. Từ đó, ĐB Ba cho rằng đây là nhiệm vụ thuộc nhóm nhiệm vụ then chốt, có nhiều vấn đề không mớinhưng vẫn mang tính thời sự, để đánh giá đưa ra giải pháp phù hợp thì cần có cái nhìn toàn diện và có hệ thống.
Quan tâm đến nguyên nhân của các hạn chế, bất cập, cụ thể là “các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn hạn chế; công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương thiếu về số lượng, phần lớn kiêm nhiệm, một số bộ phận tính chuyên nghiệp chưa cao; kinh phí dành cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật...còn thấp, chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao”. Từ đó, ĐB Ba đề nghị phải có biện pháp phân công công việc, tuyển dụng, đào tạo, giao nhiệm vụ như thế nào cho hiệu quả.
“Tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CPvề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để thu hút, giữ chân những cán bộ pháp chế giỏi. Nhất là có quy định mới là giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu quy định chế độ hỗ trợ ưu đãi nghề cho những người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, còn nhiều đội ngũ khác làm công tác xây dựng pháp luật như pháp chế thậm chí là làm “pháp chế gốc” hiện nay vẫn chưa vào được nhóm được nhận chế độ hỗ trợ ưu đãi nghề. Cụ thể là các đơn vị làm nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp, các Vụ hiện nay đang giúp các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các đạo luật”, ĐB Ba đặt vấn đề.
ĐB Ba cũng kiến nghị phải có giải pháp để thực hiện công khai, cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp để cho các cơ quan, tổ chức, người dân tiếp cận. Theo ĐB Ba, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật là công việc không khó về mặt chuyên môn nhưng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư. Mặc dù Chính phủ có quan tâm nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Nhiều nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện, thì bao giờ họ cũng có một cơ sở dữ liệu thống nhất. Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật các cấp khi được ban hành ra và quá trình biến động, sửa đổi, bổ sung, thay thế đều được cập nhật để các cơ quan, tổ chức, người dân truy cập ở các mức độ khác nhau. “Ở nước ta có công báo giấy, công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ pháp điển điện tử về các văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan quản lý. Chúng ta nên có sự thống nhất các cơ sở dữ liệu này lại, tập trung một địa chỉ, một cơ quan có điều kiện thuận lợi nhất làm đầu mối quản lý mới đáp ứng tốt các yêu cầu”, ĐB Ba đề nghị.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG