Cần làm rõ quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, không nên vội vã thông qua Luật
Tham gia dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cũng đã có ý kiến quy định về phát triển điện gió ngoài khơi (Chương III dự thảo Luật). Theo ĐB Toàn, trong dự thảo Luật quy định DN 100% vốn nhà nước đề xuất thực hiện đầu tư. “Như vậy không thể là thí điểm mà phải tính đến hiệu quả kinh tế. Hơn nữa quy định như vậy được hiểu là loại trừ các thành phần kinh tế khác. Có nên quy định như vậy trong luật không?. Trong khi đó, nếu các dự án không vi phạm Luật Hàng hải, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng, an ninh, thì sự hiện diện các dự án của nhà đầu tư nước ngoài (có chọn lọc) sẽ giống như các công trình dầu khí ngoài khơi của nước ta hiện tại. Và các dự án này cũng sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền, vùng biển của nước ta. Việc liên kết, liên doanh, tham gia công nghệ, vốn hay quản trị là rất cần thiết. Tại sao dự án dầu khí ta liên doanh được kể cả các hoạt động thăm dò, khảo sát đánh giá trữ lượng hay đầu tư còn dự án điện gió ngoài khơi thì lại không được”, ĐB Toàn đặt vấn đề. Từ đó, ĐB Toàn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có giải trình thêm quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, mang tính toàn diện, nhiều nội dung mới, liên quan đặc biệt thiết yếu trong điều kiện phục vụ phát triển KT-XH, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đánh giá Luật Điện lực (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, ĐB Toàn cũng cho rằng việc sửa đổi Luật mang tính toàn diện, nhiều nội dung mới, liên quan đặc biệt thiết yếu trong điều kiện phục vụ phát triển KT-XH, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Từ đó, ĐB Toàn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không vì áp lực thời gian mà thông qua tại kỳ họp này. Sau khi thảo luận, giải trình và chuẩn bị, nên đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và kiến nghị có thể tổ chức một kỳ họp Quốc hội chuyên đề để thông qua dự án luật này. Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các văn bản hướng dẫn dưới luật để sớm triển khai.
Quy định trong Luật Điện lực (sửa đổi) không được chồng lấn với các luật khác
Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh) tham gia góp ý 5 nhóm vấn đề đối với dự thảo Luật này.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị quy định trong Luật Điện lực (sửa đổi) không được chồng lấn với các luật khác. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, ĐB Hạnh cho rằng dự thảo Luật quy định một số nội dung mới như: Chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện hạt nhân. Những quy định này cần được kiểm nghiệm thực tế, đánh giá, hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc triển khai. Do đó, ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, trong dự thảo Luật hiện nay có tới 35 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 18 nội dung giao Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn. Từ đó, ĐB Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và nghiên cứu bổ sung quy định đảm bảo phù hợp, khả thi, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, về giải thích từ ngữ (Điều 4 dự thảo Luật), ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các định nghĩa trong dự thảo Luật, ví dụ như an toàn công trình thủy điện, an toàn điện… Ngoài ra, trong dự thảo Luật hiện nay có nhiều cụm từ xuất hiện nhiều lần, mang tính chuyên môn cao và chi phối các nội dung, các điều luật cụ thể như “chi phí hợp lý, hợp lệ” và “lợi nhuận hợp lý”, “bảo vệ công trình điện lực”, “bảo đảm an toàn điện lực”… Do đó, ĐB Hạnh đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, giải thích thêm các từ ngữ mang tính chuyên môn cao, kỹ thuật cao và ảnh hưởng trực tiếp đối với các điều luật trong dự thảo.
Thứ tư, ĐB Hạnh thống nhất với chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tại khoản 9, Điều 5 dự thảo Luật. Tuy nhiên, ĐB Hạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định, tham chiếu với các quy định pháp luật liên quan, tham khảo chuyên môn và tiệm cận với các quy định hiện hành của thế giới để có những quy định cụ thể đảm bảo phát triển nguồn điện này bền vững và dự lường được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, ĐB Hạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một khoản về hành vi bị cấm vào Điều 8 dự thảo Luật đó là: “Thải ra môi trường các chất thải nguy hại tới môi trường từ các nhà máy điện, công trình điện”.
Bên cạnh đó, về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển cho các dự án điện (Điều 25), ĐB Hạnh cho rằng các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay vẫn chưa có quy định cho thuê mặt nước biển để thực hiện. Do đó, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất bổ sung quy định về cho thuê mặt nước biển để có căn cứ pháp lý thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi.
Về trách nhiệm của nhà đầu tư (Điều 23), ĐB Hạnh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về “trách nhiệm của nhà đầu tư” trong việc sử dụng đất và sử dụng khu vực biển nhằm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dân cư và sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Cuối cùng, nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp ô tô điện, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn xe điện như một giải pháp thay thế, vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường, ĐB Hạnh cho rằng việc đầu tư vào hệ thống trạm sạc để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là thực sự cần thiết nhưng trong dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến nội dung này. ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực quy định về đầu tư xây dựng hệ thống các trạm sạc điện như: Quy hoạch; giấy phép hoạt động điện lực; an toàn điện; quản lý, vận hành… Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét đưa vào dự thảo nội dung quy định cấp Giấy phép hoạt động điện lực đối với việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc tại Chương IV Giấy phép hoạt động điện lực.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG