Cô sinh viên khuyết tật LÊ THẢO NGUYÊN: Kiên trì đi về phía ánh sáng
Cứ kiên trì, cứ cố gắng hết sức, không bỏ cuộc giữa chừng rồi hạnh phúc cũng đến và làm được điều mình mong muốn - cô sinh viên khuyết tật Lê Thảo Nguyên - một trong hai gương mặt nhỏ tuổi nhất Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024, đã chia sẻ hành trình để đi tới ước mơ làm một nhà tâm lý học.
Sau những lần hẹn bất thành phần vì vướng lịch học, phần vì sức khỏe của Nguyên không đảm bảo, cuộc trò chuyện giữa tôi với Lê Thảo Nguyên (SN 2005) - hiện là sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn, diễn ra tại ký túc xá của trường.
Thảo Nguyên chuẩn bị đến giảng đường trên chiếc xe lăn quen thuộc. Ảnh: M.H
Nếu không có tri thức, tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì…
Thời điểm Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 tuyên dương 38 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu cả nước đầu tháng 10.2024, sức khỏe Nguyên không đảm bảo, mẹ của em cũng không thể gác công việc để đi cùng ra Hà Nội. Nguyên nhận phần thưởng ấy ngay ở Bình Định, tại chương trình kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2024) do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 12.10.
• Hẳn Nguyên có rất nhiều xúc cảm với tuyên dương ấy?
Dạ, vui lắm. Điều đó một lần nữa để thấy rằng, tôi chỉ khiếm khuyết cơ thể thôi nhưng tinh thần, ý chí, nghị lực thì không khác người bình thường. Và cũng là minh chứng rõ ràng rằng, vẫn là người khuyết tật, nhưng không đồng nghĩa không thể làm gì. Mỗi người khuyết tật đều có những cách rất riêng để bản thân trở nên có ích cho xã hội, cho cộng đồng.
• Khuyết tật vận động đặc biệt nặng, ngay cả tay cũng chỉ cầm được cây viết, hay muỗng ăn cơm…, Nguyên đã chấp nhận điều đó như thế nào?
Nhà tôi có 2 anh em, anh trai đầu sinh năm 2000 thì lành lặn, mỗi tôi bị khuyết tật. Hồi ấy nhỏ quá, tôi cũng không biết gì, không nghĩ gì chỉ đơn giản thấy mình không đi đứng, chạy nhảy được như các bạn.
Càng lớn thì tôi bắt đầu gặp một số bất tiện khi không thể đi lại. Nhưng cũng tự thấy mình may mắn hơn nhiều người, khi vẫn còn có thể học hành, đến trường như bao bạn bè khác.
• Và hành trình ấy có vô vàn khó khăn…
Sự bất tiện trong đi lại gây khó khăn cho tôi rất nhiều, nhất là đi học. Học tiểu học, dì ruột là người chở tôi đến trường và ngồi đợi cho đến khi học xong thì chở về. Đến năm lớp 7, lớp 8 gì đó, sau một trận đau nặng thì sức khỏe tôi yếu đi, không thể ngồi sau xe dì đến trường được nữa, mẹ tôi nghỉ việc công nhân may ở thị xã để chở dì ngồi phía sau xe bế tôi đến trường.
Cả thời học phổ thông, tôi đến trường trên lưng mẹ, lưng dì. Trời nắng đi học còn đỡ, chứ trời mưa thì cực lắm; chưa kể gần như bỏ công bỏ việc, ảnh hưởng nhiều thứ lắm…
• Vậy động lực để Nguyên vượt qua…
Đi học với tôi là ước mơ, khát khao, để được ra bên ngoài ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Tôi nghĩ, mình đã bị thiệt thòi về thể xác, nếu nằm một chỗ trong nhà, không có tri thức, không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài, thì mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa gì nữa đâu…
Dù bị khuyết tật vận động đặc biệt nặng nhưng Lê Thảo Nguyên vẫn nỗ lực để học tập đạt kết quả rèn luyện xuất sắc năm học 2023 - 2024. Nguyên được tuyên dương gương người khuyết tật tiêu biểu tỉnh Bình Định, năm 2024; 1 trong 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024.
Nói thật với chị, có những khi cả mẹ, dì và tôi - ba người cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại, bởi vì thật sự quá gian nan và có thể kết thúc bất cứ khi nào vì lý do sức khỏe.
Nhưng chỉ thoáng chốc thôi. Để tôi có thể hoàn thành ước mơ của mình, hai người phụ nữ ấy đã phải hy sinh rất nhiều, từ thời gian cho đến công sức và thậm chí là chấp nhận cuộc sống khó khăn để có thể chăm sóc cho tôi một cách tốt nhất.
Sau bao nhiêu nỗ lực, vất vả đó, tôi đã hoàn thành xong chương trình 12 năm học với tất cả ý chí, kiên trì của bản thân, đặc biệt động lực lớn nhất để tôi bước tiếp là mẹ và dì.
Học cách yêu bản thân, “chữa lành” tổn thương cho người khác
Vượt qua rất nhiều khó khăn, cô gái khuyết tật đầy nghị lực Thảo Nguyên trở thành sinh viên K46, ngành Tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Quy Nhơn. Mặc dù đã là sinh viên năm thứ 2, nhưng Thảo Nguyên vẫn chỉ như một em bé, nặng 20 kg. Lúc tôi đến phòng ở ký túc xá nhà trường, Thảo Nguyên vừa xong môn học buổi sáng, tranh thủ nghỉ trưa và chờ mẹ về hỗ trợ chuyện vệ sinh, cơm nước để đầu giờ chiều tiếp tục lên giảng đường.
• Để bước vào giảng đường đại học, Thảo Nguyên đã phải “đấu tranh” rất nhiều…
Đúng ra thì ngày 5.9.2023- 4 ngày trước ngày nhập học, tôi được mẹ và dì chở xuống Trường ĐH Quy Nhơn để trình bày và hỏi xem trường có đồng ý nhận sinh viên khuyết tật nặng. Nhưng đến cổng Trường ĐH Quy Nhơn thì có “một nhịp” khựng lại, tôi định quay về.
Chị Lương Thị Hoa- mẹ của Thảo Nguyên, chuẩn bị tất cả mọi thứ, đẩy xe lăn đưa con mỗi buổi đến giảng đường học. Ảnh: M.H
Bởi đi học ở trường phổ thông, việc đưa đón đã bất tiện vậy rồi, lên ĐH có vô vàn lo lắng. Không biết sẽ ở nơi nào? Đến giảng đường trên các tầng lầu ra sao? Công việc của mẹ sẽ thế nào? Rồi ai có thể đồng hành cùng mình? - những câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình.
Mẹ tôi đã động viên “không được thì mình tính cách khác”.
Rất may mắn, nhà trường không chỉ động viên tôi vào học mà còn tạo điều kiện cho mẹ được vào ở ký túc xá và làm tại căng tin trường. Giảng viên cố vấn học tập của lớp rất quan tâm, kiến nghị trường, nên toàn bộ phòng học của lớp tôi đều được bố trí ở tầng trệt. Hằng ngày, mẹ đẩy xe lăn đưa tôi đến lớp và quay về làm việc của mình. Sự quan tâm đó là động lực để tôi ngày càng cố gắng hơn.
• Ước mơ của Nguyên là gì?
(Cười). Đó là trở thành một nhà tâm lý học, làm công tác tư vấn tâm lý cho học đường, hay cho người khuyết tật…
Tôi chọn ngành Tâm lý học, Trường ĐH Quy Nhơn là nơi khởi đầu ước mơ của mình. Mỗi người đều có những suy nghĩ muốn giãi bày cùng mọi người, khai phá những góc khuất ẩn sâu, những vết thương lòng. Tôi chọn cách thông qua ngành học để học cách yêu bản thân, đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương để có thể hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Hiện, tôi cũng là thành viên của Ban học thuật và Ban truyền thông, CLB Tâm lý học của trường.
• Nếu để chia sẻ với các bạn khuyết tật cùng cảnh như mình thì Nguyên sẽ nói gì?
Nhiều người bảo tôi bệnh tật đi học nhiều chi cho khổ, nhiều người cũng không tin tôi đã vào ĐH.
Thế nên, tôi chỉ muốn nói rằng, quan trọng của người khuyết tật là kiên trì đi về phía ánh sáng!
• Cảm ơn Thảo Nguyên và chúc bạn tiếp tục hành trình đi về phía trước!
“18 tháng tuổi nhưng bé Nguyên chẳng có dấu hiệu chập chững tập đi, cả nhà đưa con đi khắp nơi để chữa bệnh. Bác sĩ chẩn đoán Nguyên có vấn đề về xương, teo cơ nên cho tập vật lý trị liệu nhưng thời gian dài tập luyện, điều trị vẫn không tiến triển.
Khuyết tật vậy nhưng Nguyên lạc quan lắm. Sức khỏe Nguyên yếu, nhưng thấy con quyết tâm học, tôi và chị ruột - Lương Thị Hương, cùng đồng hành mọi lúc mọi nơi.
Con đi được đến hôm nay là quá giỏi rồi. Tôi cũng biết, cùng với ý chí của con, còn có sự giúp đỡ nhiều của nhà trường, của xã hội”.
Chị LƯƠNG THỊ HOA (48 tuổi), mẹ của THẢO NGUYÊN
MAI HOÀNG (Thực hiện)