Doanh nghiệp dồn sức cho mùa hàng cuối năm
Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trong tỉnh duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN đã có sự chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm thêm đơn hàng mới, do đó, những tháng cuối năm, nhiều DN dồn sức để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.
Ngành may mặc, gỗ thêm nhiều đơn hàng mới
Hiện nay, nhiều DN đang tăng cường hoạt động sản xuất, xuất khẩu tới các thị trường mới trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), đặc biệt với ngành may mặc, gỗ, thủy sản...
Công ty TNHH Hoàng Giang đang gấp rút hoàn thành nhiều đơn hàng bàn ghế giả mây cho khách hàng nước ngoài. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Từ đầu quý II/2024, khi tình hình đơn hàng khởi sắc, nhiều DN may mặc vào guồng sản xuất với cường độ cao. Trong 10 tháng, ngành dệt may xuất khẩu đạt gần 287 triệu USD, có đủ đơn hàng sản xuất hết quý IV/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết đơn hàng cho quý I/2025.
Ông Gavin De Silva, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (cụm công nghiệp Cát Trinh, Phù Cát), cho biết: Đây là mùa cao điểm, lượng đơn hàng tăng cao, công ty đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 112 triệu sản phẩm với doanh thu 1.703 tỷ đồng. Công ty tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc, đào tạo công nhân lành nghề để tạo ra sản phẩm chất lượng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Công nhân Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm 2024. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Hiện nhiều DN như: Công ty CP May Bình Định, Công ty CP May Hoài Ân, Công ty CP May Tam Quan, Công ty CP May An Nhơn, Công ty TNHH May Việt Hàn, Công ty TNHH may Vinatex Bồng Sơn, Nhà máy may Phù Mỹ - Chi nhánh công ty CP Vinatex Đà Nẵng… đang tuyển dụng lao động, lên phương án sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng đã ký kết, đáp ứng nhu cầu sản xuất cuối năm.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đến nay, ngành gỗ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 796,47 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm khoảng 61% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Trong 9 tháng, toàn huyện có 20 DN sản xuất gỗ với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp trên 5.200 lao động. Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ tăng bình quân 8,7%/năm, chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu toàn huyện.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Theo báo cáo của Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 10 tháng năm 2024 ước thực hiện 1,39 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ, đạt 84,8% kế hoạch năm (1,65 tỷ USD). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10.2024 tăng trưởng khá cao so cùng kỳ, do các DN nhận nhiều đơn hàng hơn và có nhiều dự án mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số sản phẩm vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương so cùng kỳ như: Bàn ghế nhựa giả mây tăng trên 21,75%; các loại chăn, nệm, nệm ghế, nệm gối tăng trên 19,37%; cấu kiện thép và cột làm bằng sắt, thép tăng trên 18,83%...
Dù tình hình sản xuất có khởi sắc, nhiều DN xác định các tháng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức như: Chi phí logistics có nguy cơ tiếp tục tăng, lương cơ bản tăng và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao…
Để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường, đẩy nhanh tốc độ hồi phục, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành, đơn vị một số nội dung như: Giảm lãi suất cho vay nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho DN; có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào; điều chỉnh thuế phí cho phù hợp; tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn… Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thành lập các tổ công tác đặc biệt tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN và tổ chức đối thoại với các DN từng ngành nghề.
Tại các buổi gặp mặt doanh nhân tỉnh trong tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: UBND tỉnh liên tục chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, DN biết. Sở Công Thương tiếp tục chủ động theo dõi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã được UBND tỉnh giao cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh; tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới. Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước, nhằm phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chú trọng thị trường các nước là thành viên các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.
CÔNG NGHĨA