Phòng bệnh cúm mùa trong mùa Ðông Xuân
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B và cúm C.
Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc, bao gồm 3 - 5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290 - 650 nghìn ca tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm vẫn ghi nhận từ 600 nghìn - 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm.
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, điển hình như sốt thường trên 380C, đau nhức cơ toàn thân, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn, đặc biệt đối với những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh cúm A, người dân nên chủ động đeo khẩu trang tại các nơi đông người, đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao thể trạng; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch cúm xảy ra. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm khi không cần thiết. Đặc biệt, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa hằng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Đây là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)