Cần có chính sách đặc thù cho sĩ quan quân đội
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 28.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tham gia góp ý dự án Luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cơ bản thống nhất theo Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo đại biểu (ĐB) Toàn, việc nâng độ tuổi phục vụ của lực lượng sĩ quan QĐND tương đồng với lực lượng sĩ quan Công an nhân dân là phù hợp. ĐB Toàn phân tích, để đào tạo được một sĩ quan QĐND ở cấp chỉ huy, đặc biệt là trong quá trình chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu, trực tiếp tham gia chỉ huy ở những cương vị trung cao cấp của QĐND là cả một quá trình.
“Bây giờ thể trạng của người sĩ quan QĐND Việt Nam cũng đã nâng lên so với trước đây. Những người sĩ quan ở độ tuổi vừa chín muồi, vừa tích lũy kinh nghiệm, kiến thức nhưng do quy định về độ tuổi mà về hưu sớm. Đặc biệt là những cán bộ chỉ huy đã kinh qua những thử thách để trưởng thành thì rất là lãng phí nguồn lực”, ĐB Toàn phát biểu.
Theo ĐB Toàn, nếu nâng một lúc lên nhiều tuổi cho một cương vị công tác thì sẽ tạo ra sự “dồn toa” của các thế hệ tiếp theo. ĐB đồng ý với việc sửa đổi nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội theo như đề nghị. Sau này, khi trong quá trình thực hiện nếu còn thấy bất cập tiếp tục có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Tiếp theo, ĐB Toàn băn khoăn về quy định của BHXH thì đủ bao nhiêu năm công tác, tuổi đời bao nhiêu thì mới được hưởng 75% lương hưu, còn chưa đủ thì trừ dần phần trăm. ĐB Toàn cho rằng quy định như vậy thì trong độ tuổi này sẽ có những cán bộ chỉ huy của QĐND sẽ có những trường hợp khi nghỉ hưu sẽ không đủ điều kiện năm công tác và không đủ tuổi đời để hưởng 75% lương hưu, như vậy sẽ là rất thiệt thòi mặc dù họ không muốn điều này xảy ra mà là do quy định đặc thù của nghề nghiệp.
ĐB Toàn nêu ví dụ: Bạn bè cùng học phổ thông với nhau, cùng tốt nghiệp phổ thông ở độ tuổi 18, khi thi vào đại học có người chọn vào các trường quân đội với mong muốn phục vụ trong quân đội để tham gia bảo vệ Tổ quốc, còn người thì chọn vào các trường ngành nghề khác. Khi ra trường thì đều tâm huyết và đầy trách nhiệm như nhau, nhưng người làm ở các ngành nghề thì nữ đến 60 tuổi, nam đến 62 tuổi nghỉ hưu, được hưởng 75% lương hưu. Còn người cũng phấn đấu nhưng do điều kiện công tác không có chức, có cấp để bố trí, không tiếp tục lên chức, lên cấp được nữa thì theo quy định phải nghỉ hưu. Đến cấp hàm úy thì 50 tuổi nghỉ hưu, nếu đủ năm, đủ tháng công tác theo quy định thì được hưởng 75% lương hưu, nhưng nếu không đủ thời gian công tác thì chỉ được hưởng dưới 60% hoặc 65%. Như vậy thì lương hưu rất thấp. Mà cái này không phải do bản thân muốn mà do quy định của pháp luật. Như thế là không công bằng.
“Đã theo quy định đến cấp đó, đến độ tuổi đó nghỉ hưu theo quy định cần phải có Luật, chính sách riêng về BHXH cho lực lượng sĩ quan QĐND và CAND để phù hợp với đặc thù của nghề nghiệp. Vì việc phục vụ trong QĐND, CAND là nghề nghiệp đặc thù. Và trong điều kiện đặc thù thì phải có chính sách đặc thù!”, ĐB Toàn đề nghị.
Nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho sĩ quan QĐND, ĐB Toàn đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai 2024. “Về Chính sách nhà ở trong Luật Nhà ở có quy định bổ sung về nhà ở xã hội cho LLVT, trong đó có QĐND. Tuy nhiên, về đất ở phải rà soát các chính sách về đất ở có dành riêng cho sĩ quan QĐND không, có giao chi tiết cho Chính phủ thực hiện điều này không để có cơ sở triển khai thực hiện. Đây là chính sách mới nên phải rà soát lại và cũng phải dự kiến chính sách đó là như thế nào? Bán không qua đấu thầu, đấu giá hay bán giảm giá? Do đó phải tiến hành rà soát trở lại còn nếu không sẽ không tạo sự đồng nhất trong Luật”, ĐB Toàn kiến nghị.
NGUYỄN HÂN - P.PHƯƠNG