Trung Chánh giữ nghề đan đát
Nghề truyền thống đan đát ở thôn Trung Chánh (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) lâu nay góp phần tạo việc làm, thêm thu nhập cho nhiều lao động lúc nông nhàn. Tuy vậy, mức thu nhập dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày không thể thu hút được lao động trẻ.
Theo ông Võ Văn Thành (64 tuổi, cựu Trưởng thôn Trung Chánh), khi còn làm cán bộ thôn, ông thường xuyên động viên bà con giữ nghề của cha ông để lại. Bản thân ông cũng tích cực theo nghề đan đát, một phần kiếm thêm thu nhập, phần để duy trì, tiếp sức với bà con trong xóm, thôn giữ nghề.
Bà Võ Thị Ba đang chỉ cháu ngoại cách đan một chiếc dừng. Ảnh: TÀI NGÂN
“Tôi dùng khoảng sân rộng của nhà mình để làm nơi tụ họp mọi người đến đan đát. Hằng ngày, sáng từ 8 - 11 giờ và chiều từ 14 - 17 giờ, sân nhà tôi luôn rộn ràng tiếng cười nói của bà con. Thôn Trung Chánh có 7 xóm, toàn thôn còn được khoảng 50 người theo nghề, chủ yếu là người lớn tuổi. Lúc nông nhàn con số này tăng lên gấp đôi, khi có thêm một số người ở lứa tuổi trung niên”, ông Thành chia sẻ.
Gia đình bà Võ Thị Ba (71 tuổi) có 3 đời làm nghề đan đát. Trước đây, gia đình bà Ba đan rất nhiều loại như: Thúng, rổ xảo, nong…, nhưng đến nay cả nhà chỉ tập trung đan 1 loại sản phẩm đó là dừng. Nhà có 3 người, mỗi người một công đoạn, người vót nan, chẻ vành, nức..., kết hợp nhanh tay sẽ làm ra từ 6 - 8 sản phẩm/ngày. “Nghề này không làm giàu được nhưng cũng kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày. Tuổi già như tôi có nhiều thời gian rảnh, mỗi ngày có thể làm được 2 cái dừng, trừ tiền mua tre, cước thì cũng còn được hơn 60.000 đồng tiền công”, bà Ba tâm sự.
Cách nhà bà Ba không xa, công việc chính của bà Hồ Thị Kim Tuyến (62 tuổi) là làm nông, mỗi năm 2 vụ lúa. Những lúc nông nhàn, bà dành hầu hết thời gian vào việc đan đát. Bà Tuyến chia sẻ: “Tôi cứ đan liên tục, ngày nào cũng được 2 - 3 sản phẩm. Chừng 5 - 7 ngày là có người đến tận nhà lấy hàng, tôi không phải lo chuyện bán sản phẩm”.
Gắn bó với nghề đan đát hơn nửa đời người, trải qua nhiều thăng trầm nhưng bà Nguyễn Thị Châu (63 tuổi, thôn Trung Chánh) vẫn luôn kiên trì làm nghề để mưu sinh và giữ gìn nghề truyền thống. “Thực tế thu nhập từ nghề này không cao, nhưng có làm thì vẫn có đồng ra đồng vào. Trước đây, khi còn nặng lo về kinh tế, kiếm tiền cho con ăn học nên tôi chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt, không có nhiều thời gian để đan đát. Nay bắt đầu có tuổi, đan đát đã trở thành công việc chính của tôi”, bà Châu nói.
TÀI NGÂN