Bỗng dưng mắc nợ xấu
Đến ngân hàng để làm thủ tục vay tiền, ông N.M.T. (ở huyện Hoài Ân) đã “choáng váng” khi ngân hàng kiểm tra qua hệ thống tín dụng liên quan và thông báo ông là khách hàng nợ xấu của một công ty tài chính, dù ông không hề vay ở công ty này.
Mắc nợ xấu của người khác
Tìm đến chi nhánh của công ty tài chính để làm rõ, ông N.M.T. càng bất ngờ hơn khi số CMND của ông lại mang tên khách hàng V.T.K.N. đã vay của công ty. Ông T. nhớ lại, cách đây khoảng 3 - 4 năm, có người của công ty tài chính gọi điện thoại hỏi ông có phải là người thân của V.T.K.N. đang nợ quá hạn của công ty, khi đó ông khẳng định không biết V.T.K.N. là ai, nhưng vẫn bị gọi làm phiền nhiều lần...
Cách đây hơn một tháng, khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, ông T. mới biết việc bất ngờ như trên. Ông T. đã đến CA xác nhận số CMND mà V.T.K.N đã lấy sử dụng đúng là cấp cho ông, đồng thời, đề nghị chi nhánh công ty tài chính cung cấp hợp đồng vay của V.T.K.N. để ông làm rõ, nhưng bị từ chối.
Phản ánh qua đường dây nóng Báo Bình Định, ông T. bức xúc: “Đại diện chi nhánh công ty tài chính nói tôi phải vào tận trụ sở công ty ở TP Hồ Chí Minh để thương lượng, giải quyết. Gọi điện liên hệ tổng đài công ty để phản ánh thì cứ báo bận không gọi được. Chuyện này thật là vô lý, khiến tôi lo lắng, mệt mỏi”.
Theo bà N.T.N.P., lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng ở TP Quy Nhơn, trường hợp ông T. gặp phải có thể là do sai sót từ khâu làm thủ tục, rồi xét duyệt hồ sơ khách hàng vay vốn của công ty tài chính không kỹ lưỡng theo đúng quy định. Điều này dẫn đến khi kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân của khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhân viên ngân hàng tra cứu theo số CMND/CCCD trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), nơi có thông tin về nợ xấu của các khách hàng vay ngân hàng, công ty tài chính.
Bà P. phân tích: Công ty tài chính cần phải có trách nhiệm khắc phục việc làm sai, giải quyết xóa thông tin nợ xấu trên CIC nếu phản ánh của ông T. là đúng. Nếu không giải quyết thì ông T. không được ngân hàng xét duyệt cho vay, ngay cả khi ông có tài sản thế chấp thì khả năng được cho vay cũng thấp bởi vẫn mang nợ xấu.
Bỗng dưng mắc nợ xấu. Ảnh minh họa từ internet
Cần biết cách xử lý khi bị “khủng bố” đòi nợ
Thời gian qua vẫn tiếp diễn tình trạng người vay nợ của công ty tài chính hoặc “tín dụng đen” không trả nợ đúng hạn, thì chủ nợ cho người gọi điện thoại khủng bố người thân, đồng nghiệp, bạn bè hoặc thậm chí những người không quen biết với người nợ tiền nhưng không hiểu sao chủ nợ vẫn có số điện thoại để gọi.
Ông Trần Thanh Sơn, một người dân ở TP Quy Nhơn, cách đây khoảng một tháng, cũng bị người của công ty tài chính gọi hỏi thông tin từ một người bị nợ quá hạn, mà nhắc tên người này ông thực sự không nhớ là ai.
“Tôi đã nói rõ không biết nhưng vẫn bị họ gọi điện thoại “khủng bố” nhiều ngày, còn nói chuyện hăm dọa như kiểu mình chính là con nợ… khiến tôi rất bực tức, nói đã báo CA rồi thì họ mới thôi gọi. Qua tìm hiểu thông tin từ bạn bè, người quen, rồi trên mạng thì trường hợp bị “khủng bố” như tôi cũng khá nhiều, các đơn vị chức năng liên quan cần tăng cường xử lý tình trạng này”, ông Sơn đề nghị.
Theo phản ánh của một số chủ DN, công đoàn cơ sở tại DN trên địa bàn TP Quy Nhơn, cũng có khá nhiều trường hợp công nhân vay công ty tài chính, vay nặng lãi, đến khi nợ quá hạn, có người nghỉ việc ở DN để trốn nợ, thì chủ DN, hay lãnh đạo công đoàn cơ sở DN bị người cho vay gọi điện thoại quấy rối nhiều lần, khiến họ rất bức xúc.
Bộ CA và CA các tỉnh, thành đã đăng tải khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” từ việc nợ tiền của người khác, như: Bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm đối với khoản nợ của người vay mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin bên đòi nợ, ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng sử dụng khi cần thiết.
Nếu tình trạng bị làm phiền đến mức “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan CA để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ. Các cơ quan, đơn vị, DN yêu cầu công chức, viên chức, người lao động không được nhân danh hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để người cho vay tiền liên hệ…
HOÀI THU