Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Vào chặng nước rút
9 tháng năm 2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%).
Hiện thời gian không còn nhiều, việc thực hiện mục tiêu giải ngân đầu tư công của năm 2024 đang vào chặng nước rút. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, cùng các chủ đầu tư, đội ngũ nhà thầu phải khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước...
Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng (tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình). Ảnh: Hà Vũ
Kết quả giải ngân thấp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2024, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể. Các tổ công tác thường xuyên xuống địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp và chưa đạt được như kỳ vọng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đến nay vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước mặc dù đã được giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cũng như quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ từ đầu năm.
Một số nguyên nhân cố hữu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều dự án như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, vướng mắc về thủ tục và quá trình triển khai, sự yếu kém của nhà thầu… Bên cạnh đó là sự xuất hiện của yếu tố thời tiết cực đoan làm gián đoạn công tác thi công tại một số dự án ở nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi phía Bắc; tình trạng thiếu vật liệu san lấp thông thường ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Cả nguyên nhân chủ quan và khách quan đã “cộng hưởng” tạo tình huống rất bất lợi, với diễn biến phức tạp và đẩy công tác thi công, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 vào tình thế khó khăn.
Quyết liệt các giải pháp
Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95%, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 23.10.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đốc thúc và yêu cầu cả hệ thống, chính quyền các địa phương vào cuộc một cách đồng bộ, với tinh thần chủ động cao nhất để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước hết, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính thường xuyên như xác định giá đền bù, quan hệ với nhà thầu, sự phối hợp giữa các đơn vị; đề cao và xác định trách nhiệm người đứng đầu để tạo chuyển biến rõ rệt, thiết thực. Đặc biệt, đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện...
Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần có phương án, cách làm hợp lý, luôn bảo đảm nguồn cung, đáp ứng cung - cầu về vật liệu, nhất là cát cho các công trình một cách chủ động, liên tục. Trong đó nên có cơ chế phù hợp nhằm duy trì khối lượng, chất lượng cũng như về giá vật liệu...
Kết quả giải ngân ở mỗi địa phương sẽ góp phần quyết định mức độ hoàn thành mục tiêu giải ngân của cả nước. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh sẽ tập trung cao độ, triển khai 3 ca 4 kíp để bảo đảm cuối năm giải ngân được 95% vốn được giao. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố sẽ tăng cường rà soát, đôn đốc các dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung vào những dự án quy mô lớn như đường Vành đai 4, các nút giao… Hiện, các dự án đang tập trung vào đợt cao điểm tăng tốc thi công, giải ngân trên diện rộng với một số giải pháp như mỗi ngày chủ dự án, nhà thầu cập nhật hình hình, trao đổi vấn đề nảy sinh; báo cáo sở, ngành chức năng xử lý kịp thời; chủ động công tác bồi thường, tổ chức tái định cư.
Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
(Theo HỒNG SƠN/HNM)