Tổ chức để nông dân gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp:
Góp phần đổi mới tư duy, phát triển sản xuất
Sau gần hai năm triển khai thực hiện, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa nông dân với DN thu mua sản phẩm, do Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) chủ trì tổ chức, đang góp phần đổi mới tư duy sản xuất của nông dân, giúp phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết.
Lợi nhuận bền vững cho nhiều bên
Trung tuần tháng 10 này, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (cụm công nghiệp Đại Thạnh, huyện Phù Mỹ) tổ chức gặp nông dân trồng ớt, bàn chuyện trồng, thu mua cho mùa tới. Hơn 100 hộ trồng ớt của 3 xã: Cát Minh, Cát Tài và Cát Hanh (huyện Phù Cát) đã đến dự.
Người trồng ớt của huyện Phù Cát đặt nhiều câu hỏi về sản lượng, giá cả thu mua trong mùa tới. Ảnh: N.T
Chị Nguyễn Thị Thu Thiện, ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, cho biết, nhà chị có hơn 3 sào ớt, năm ngoái ký hợp đồng trồng và cung cấp ớt theo tiêu chuẩn VietGAP với Công ty chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia theo sự giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát. Khi giá ớt trên thị trường rớt xuống 4.000 đồng/kg và thương lái chia ra thành nhiều loại với chênh lệch giá khá cao thì công ty vẫn mua “xô” với giá 12.000 đồng/kg như hợp đồng đã ký.
Đến dự buổi gặp gỡ, ngoài số hộ đã tham gia liên kết trồng ớt theo hướng VietGAP trên diện tích 5,5 ha tại xã Cát Tài với công ty vào năm ngoái, còn có khá nhiều hộ chưa hoặc từng từ chối tham gia liên kết. Th.S Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - một trong những người cảm nhận rõ nhất sự chuyển biến trong suy nghĩ của người trồng ớt tại buổi gặp gỡ - chia sẻ, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, phân tích thị trường nông sản trong nhiều năm và đúc kết một quy luật: Cứ sau 1 - 2 năm nông sản được giá thì 2 - 3 năm tiếp theo sẽ mất giá. Có không ít trường hợp, vì không thể tiếp tục trữ hàng, nông sản sẽ bị hư nên bà con buộc phải bán tháo; hàng chất lên xe rồi mà bà con vẫn không biết giá bao nhiêu. Thay vào đó, nên chấp nhận mức lãi mà nhiều bên cùng có lợi bền vững. Việc liên kết với DN để không phải lo khâu tiêu thụ, tránh những khoản thua lỗ không đáng có là một hướng đi mà bà con nên xem xét. Hơn nữa khi hợp tác với DN, bà con còn được tiếp cận với quy trình canh tác theo hướng sạch hơn, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, nhờ đó còn giúp bà con đảm bảo sức khỏe.
Tác động thay đổi tư duy nông dân
Sau gần 2 năm triển khai hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa DN với nông dân, đã có khoảng 10 nhà máy, DN tham gia. Càng về sau, số DN và nông dân đến tham gia liên kết càng nhiều.
Dù vậy, thẳng thắng đánh giá, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông xác định, vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi không ít nông dân giữ cách thức sản xuất lạc hậu, từ chối áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến hơn. Một số người lo DN không thu mua theo đúng sản lượng, giá bao tiêu đã cam kết. Không ít nông dân đòi hỏi DN phải mua theo giá thị trường khi giá tăng cao và mua theo giá bao tiêu khi giá thị trường xuống thấp…
“Vẫn cần thêm nhiều thời gian để tạo chuyển biến, thay đổi dần suy nghĩ của người dân. Dù vậy, Trung tâm sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối để thực hiện thành công các chuỗi liên kết, để tỉnh có những vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng cao, ổn định, đủ điều kiện thu hút các công ty, tập đoàn lớn về. Trước mắt, để thu hút bà con tham gia vào chuỗi liên kết, chúng tôi đang thuyết phục DN hỗ trợ thêm cho bà con khi giá nông sản tăng đột biến. Theo đó, Công ty chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia đã cam kết, khi giá ớt thị trường cao hơn giá bao tiêu, sẽ mua 20% số lượng ớt của bà con theo giá thị trường”, ông Hùng chia sẻ.
Theo kế hoạch, ngày 31.10, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với Nhà máy xay xát gạo Thạnh Hương (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) tổ chức buổi gặp gỡ với nông dân sản xuất lúa của 3 xã: Tây Vinh, Tây Bình và Tây An của huyện Tây Sơn tại xã Tây Vinh. Ông Phan Tấn Phương, Phó Giám đốc nhà máy, cho biết, trước đây nhà máy chủ yếu mua gạo qua thương lái, sau khi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông gặp gỡ, đối thoại và ký hợp đồng trực tiếp với bà con, nhà máy có nguồn cung ổn định về chất lượng và giá cả tốt hơn. “Sau huyện Phù Mỹ, sắp tới, thông qua cầu nối là Trung tâm Khuyến nông, nhà máy tiếp tục về gặp gỡ, đối thoại với người trồng lúa của huyện Tây Sơn và sau đó là TX An Nhơn”, ông Phương cho hay.
NGỌC TÚ