Cần có thêm điều khoản về khái niệm giá trị thương hiệu trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu, tại phiên chất vấn của Quốc hội trước đây tôi đã đặt câu hỏi: "Theo Thủ tướng trong thời gian tới cần có giải pháp nào để công khai, minh bạch nhằm giải quyết vấn đề giá trị thương hiệu trong hợp tác công tư? Bởi nếu được định giá thương hiệu công thì việc phát huy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục sẽ được phát huy rất hiệu quả". Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, việc xây dựng thương hiệu ở các nước trên thế giới tương đối bài bản và được tiến hành từ khá lâu. Điển hình như thương hiệu CLB thể thao lớn, hiện lên tới hàng tỷ USD. Định giá cơ sở, tổ chức bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.
"Đây là cơ sở để chúng ta suy nghĩ về xây dựng thương hiệu không những cho tổ chức, DN công mà cả khối tư nhân", Thủ tướng nói và cho rằng cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.
Theo Thủ tướng, khi hợp tác công tư, phải tính cả giá trị thương hiệu chứ không phải chỉ là cơ sở vật chất. Đơn cử như các thương hiệu lớn như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức... có thương hiệu được xếp hạng thì khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu.
Nguồn: BTV
Tuy nhiên, theo ĐB Hiếu trong dự thảo luật sửa đổi lần này, chưa thấy đề cập đến vấn đề giá trị thương hiệu trong hợp tác công tư. Do đó, ĐB Hiếu đề nghị tối thiểu cần có điều khoản về khái niệm giá trị thương hiệu của cả công và tư là một tài sản trong hợp tác công tư, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Sau đó, Chính phủ cần hướng dẫn cách đánh giá xác định giá trị thương hiệu để nâng cao hiệu quả trong hợp tác công tư, thu lại nguồn lực cho nhà nước cũng đồng thời tránh việc thất thoát một tài sản tưởng như vô hình nhưng lại vô cùng to lớn của xã hội.
NGUYỄN HÂN - P.PHƯƠNG