CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯờNG:
Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường
Thời gian qua, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý TN&MT để giải quyết những vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo vệ TN&MT là yêu cầu cấp thiết.
Yêu cầu cấp thiết
Theo ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trước đây, cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng và vận hành trên phần mềm ViLIS theo Thông tư 17/2010/TT-BTNMT quy định về chuẩn dữ liệu địa chính. Thế nhưng, quá trình biên tập, tách hợp bản đồ của cán bộ chuyên môn Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh thường xảy ra tình trạng dữ liệu bản đồ địa chính không đồng bộ, nhất quán; dữ liệu được lưu trữ ở nhiều nơi, chưa được cập nhật kịp thời để đáp ứng đúng với hiện trạng thực tế.
Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động quản lý TN&MT sẽ giải quyết những vướng mắc, tồn tại thời gian qua. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và bảo vệ TN&MT.
Cụ thể, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu chính xác, hiệu quả hơn. Số hóa dữ liệu về đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, biển, hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần tăng tính minh bạch, chính xác, nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ giám sát tự động mới giúp phát hiện sớm các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các ứng dụng công nghệ số mới tạo điều kiện thuận lợi để người dân và DN tiếp cận thông tin TN&MT nhanh chóng, thuận tiện.
Việc triển khai Hệ thống VNPT-iLis giúp tăng tính minh bạch, chính xác, nhanh chóng trong giải quyết thủ tục về đất đai.
- Trong ảnh: Nhân viên bộ phận Một cửa huyện Tuy Phước tiếp nhận hồ sơ đất đai của người dân. Ảnh: V.L
Những kết quả bước đầu
Ông Châu Thái Quy, Chánh Văn phòng Sở TN&MT, cho biết: Đến nay, Sở triển khai thực hiện nhiều nội dung CĐS để kết nối và chia sẻ dữ liệu TN&MT với CSDL dân cư, định danh và xác thực điện tử; CSDL của ngành thuế; CSDL chuyên ngành TN&MT cấp quốc gia do Bộ TN&MT quản lý. Trong năm 2024, đơn vị phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin quản lý đất đai tỉnh (VNPT-iLis) tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, 11 chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện và 11 phòng TN&MT huyện, thị xã, thành phố.
Đến cuối tháng 9.2024, đã hoàn thành chuyển đổi và kế thừa toàn bộ 3 khối dữ liệu địa chính từ Hệ thống ViLis 2.0 sang Hệ thống VNPT-iLis. Thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai ở cấp tỉnh, cấp huyện, như: Đăng ký và cấp giấy chứng nhận; tách thửa, hợp thửa đất, chuyển quyền sử dụng đất; giao dịch bảo đảm; thu hồi đất; tra cứu tìm kiếm thông tin thửa đất, chủ sử dụng, giấy chứng nhận; theo dõi lịch sử biến động của thửa đất… Hoàn thành kết nối liên thông trao đổi dữ liệu đất đai với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (VNPT-iGate); hoàn thành kết nối liên thông CSDL đất đai tỉnh với CSDL đất đai và dân cư quốc gia.
Ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, nhìn nhận: “Hệ thống VNPT-iLis giúp công tác quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động đất đai và giải quyết các TTHC về đất đai cho người dân đảm bảo kịp thời. Kết nối liên thông hệ thống dịch vụ công trong tiếp nhận hồ sơ đất đai với hệ thống thông tin thuế để giải quyết nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất, giảm phiền hà cho người dân”.
Cùng với đó, Sở TN&MT còn phối hợp với các sở, ngành hoàn thành xây dựng Hệ thống quản lý, giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã chuẩn hóa và chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống đề tài GIS của Sở KH&CN, gồm: Tích hợp được 45 khu vực cấm; 504 điểm mỏ và mỏ khoáng sản; cấp tài khoản và phân quyền cho các địa phương cấp huyện.
Đồng thời, lắp hệ thống camera tích hợp công nghệ AI có khả năng đếm và thống kê số lượt xe ra - vào các mỏ khoáng sản. Đến nay, 89/109 camera giám sát của các DN khai thác khoáng sản thực hiện kết nối với Hệ thống giám sát của Sở TT&TT; còn lại 20 camera đang thiết lập điều chỉnh kết nối. Sở TN&MT cũng đang vận hành thử nghiệm theo dõi giám sát 25 camera tại địa chỉ mokhoangsan.binhdinh.ttgt.vn.
Ngoài ra, Sở TN&MT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Cục Thuế tỉnh, VNPT Bình Định hoàn thành tích hợp, kết nối và thực hiện “thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai” của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua Hệ thống VNPT-iLis.
“Năm 2025, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện CĐS trên một số lĩnh vực như: Đẩy mạnh ứng dụng Chat GPT tại một số nội dung, nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước; triển khai mô hình “Quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua CSDL quốc gia về dân cư”. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và phát huy dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Kết nối từ hệ thống của Sở TN&MT đến nền tảng điện toán đám mây của Trung tâm dữ liệu tỉnh để vận hành CSDL TN&MT biển, hải đảo; số liệu quan trắc tự động về nước thải, khí thải”.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Quang Vinh
VĂN LỰC