ÔNG THORSTEN FASTENAU, PHÓ CHỦ TỊCH ĐIỀU HÀNH TẬP ĐOÀN PNE:
Tính khả thi của dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định là rất cao
Với quyết tâm đầu tư dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại Bình Đinh, nhiều năm qua, Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh thực hiện các công việc nhằm sớm hiện thực hóa dự án. Ông Thorsten Fastenau, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn PNE, đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Định nhiều thông tin về dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Thorsten Fastenau
* Nhiều năm trước, Tập đoàn PNE đã đăng ký với tỉnh Bình Định xúc tiến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Ông có thể chia sẻ thông tin về quy mô dự án?
- Dự án điện gió ngoài khơi mà chúng tôi đã đăng ký đầu tư tại Bình Định có tổng mức vốn khoảng 4,6 tỷ USD. Dự kiến phạm vi triển khai dự án ở khu vực biển thuộc địa bàn huyện Phù Mỹ và Phù Cát.
Dự án này được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư phát triển, trong đó giai đoạn 1 có công suất 750 MW, giai đoạn 2 công suất 750 MW và giai đoạn 3 công suất 600 MW. Với mức vốn đầu tư và công suất như trên, dự kiến mỗi giai đoạn chúng tôi sẽ lắp đặt 45 turbine gió.
* Điều gì khiến Tập đoàn quyết định lựa chọn Bình Định - Việt Nam để đăng ký xúc tiến đầu tư dự án với quy mô lớn như vậy, thưa ông?
- PNE là tập đoàn tiên phong phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Đức, chúng tôi đã đầu tư thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại 14 quốc gia ở 4 châu lục. Bình Định - Việt Nam là tỉnh duy nhất ở khu vực châu Á tập đoàn lựa chọn để xúc tiến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để đi khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi dọc bờ biển của Việt Nam và nhận thấy vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bờ biển, tốc độ gió tại Bình Định phù hợp phát triển điện gió ngoài khơi hơn cả. Đây là những yếu tố cần thiết đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật để có thể triển khai dự án.
Ngoài ra, Tập đoàn nhận thấy Bình Định là tỉnh năng động, KT-XH phát triển khá mạnh, cơ sở hạ tầng rất tốt. Đặc biệt, khi Tập đoàn đặt vấn đề với tỉnh về dự án điện gió ngoài khơi, lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ. Hai bên đều nhìn nhận, khi dự án được triển khai sẽ mang lại giá trị lớn trên nhiều lĩnh vực cho cả Bình Định và Tập đoàn. Xâu chuỗi các yếu tố nói trên, Tập đoàn xác định Bình Định là điểm đến lý tưởng để đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.
* Được biết, tại buổi làm việc ngày 20.10, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn PNE đều khẳng định kết quả hợp tác bước đầu là hết sức tốt đẹp…
- Kết quả hợp tác giữa Bình Định và Tập đoàn PNE là rất tốt, thể hiện qua những chuyến thăm và làm việc giữa lãnh cấp cao của hai bên. Kết quả là Tập đoàn đã ký kết ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh về dự án điện gió ngoài khơi. Sau đó, hai bên đã dành nhiều thời gian để trao đổi cởi mở nhiều vấn đề, cùng hướng đến mục tiêu chung là tìm được khu vực thực hiện dự án phù hợp nhất. Tập đoàn cũng đã hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị phục vụ cho dự án.
Thông qua sự phối hợp chặt chẽ cũng như sự cam kết, tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ sớm được triển khai tại Bình Định, ít nhất là thực hiện giai đoạn 1 của dự án trước năm 2030; được lựa chọn là dự án thí điểm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Ông Thorsten Fastenau (thứ 3 từ phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát một số điểm ven biển dự kiến nằm trong phạm vi dự án trang trại gió ngoài khơi. Ảnh: T.SỸ
* Khó khăn, thử thách luôn đi kèm với cơ hội phát triển, nhất là đối với dự án điện gió quy mô lớn như ở Bình Định. Ông nhìn nhận như thế nào về tính khả thi của dự án này?
- Tôi có thể khẳng định tính khả thi của dự án điện gió tại Bình Định là rất cao. Thứ nhất là trình độ, kinh nghiệm, năng lực cả về kỹ thuật và tài chính. Vấn đề này chúng tôi cam kết đảm bảo, vì PNE là tập đoàn tiên phong đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi của Đức và châu Âu, có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực.
Yếu tố thứ 2 là tỉnh Bình Định cam kết, tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối việc triển khai dự án này.
Yếu tố thứ 3 là có sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức thông qua quá trình xúc tiến dự án trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước. Thời gian qua, Tập đoàn đã tháp tùng Tổng thống và Thủ tướng Đức sang thăm và làm việc với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã có buổi làm việc riêng với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để xúc tiến dự án và được Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Tập đoàn còn nhận được sự ủng hộ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức tại Việt Nam và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đối với dự án này.
* Xin ông cho biết, kế hoạch và những hoạt động chính của Tập đoàn đối với dự án này tại Bình Định trong thời gian tới?
- Ngoài vấn đề đầu tư kinh doanh thuần túy, chúng tôi còn gửi vào dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Định sự đam mê và tâm huyết. Điều này đã được chúng tôi thể hiện suốt 5 năm qua và được tỉnh ghi nhận, hỗ trợ.
Ngày 30.10, Tập đoàn tổ chức khai trương văn phòng tại TP Quy Nhơn. Đây là một bước tiến mới, nhằm cụ thể hóa cam kết với tỉnh, thể hiện quyết tâm cao độ của Tập đoàn đối với dự án. Việc mở văn phòng tại TP Quy Nhơn cũng sẽ giúp chúng tôi có điều kiện gần gũi, phối hợp chặt chẽ hơn với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành trong việc triển khai dự án trong thời gian tới.
Tôi cũng đã nhiều lần đến Bình Định, có quan hệ rất tốt với các lãnh đạo tỉnh. Trụ sở của Tập đoàn đặt tại TP Cuxhaven nơi tôi sinh ra rất giống với TP Quy Nhơn, nên khi nhận được tình cảm yêu quý của mọi người, nhìn thấy quang cảnh ở đây giống như quê nhà, tôi thấy ấm áp, cảm giác như được về nhà. Đó cũng là một trong những lý do tôi đề xuất đặt văn phòng đại diện tại TP Quy Nhơn.
Thời gian tới, dự kiến Tập đoàn sẽ thực hiện các hoạt động về chuyên môn, như: Đánh giá về mặt kỹ thuật của dự án, đo gió, khảo sát biển, khảo sát địa chất để thu thập số liệu đáng tin cậy.
Chi phí thực hiện các hoạt động nói trên lên đến hàng triệu USD, vì thế Tập đoàn mong muốn được cấp có thẩm quyền cấp phép chủ trương đầu tư và cấp các giấy phép có liên quan cho dự án, để có thể sớm bắt tay triển khai dự án nhanh hơn. Đây cũng là điều mong mỏi lớn nhất của Tập đoàn.
*Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)