Bộ GD&ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển
Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để đảm bảo công bằng trong việc xét tuyển khi những năm gần đây điểm tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội luôn có sự chênh lệch.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sáng ngày 31.10 tại TPHCM.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, số lượng thí sinh ngày càng tăng, dự báo tiếp tục mỗi năm sẽ có hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này. Tỷ lệ tốt nghiệp dao động 98-99%, con số này phản ánh 3 mục tiêu gồm đánh giá cả quá trình dạy và học, xét tốt nghiệp và là cơ sở để tuyển sinh Đại học, do đó, không phải vì tỷ lệ cao mà không cần thi.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT
Bên cạnh đó, tỷ lệ đăng ký theo tổ hợp Khoa học Tự nhiên có xu hướng giảm so với tỷ lệ đăng ký tổ hợp Khoa học Xã hội. Tuy nhiên cũng có một số địa phương có xu hướng ngược lại, như TPHCM tỷ lệ đăng ký vào tổ hợp Khoa học Tự nhiên luôn cao hơn. Điểm trung bình các môn tăng nhẹ và tập trung vào tổ hợp Khoa học Xã hội, còn tổ Khoa học Tự nhiên giữ ổn định và thấp hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng chọn xét tuyển tổ hợp Khoa học Xã hội nhiều hơn:
"Đây cũng là một trong những yếu tố có phần bất lợi vì nhiều tổ hợp tuyển sinh đại học có tổ hợp Khoa học Xã hội. Chúng tôi đang có giải pháp cùng Vụ Đại học để nghiên cứu giải pháp công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển", ông Chương nói.
Số lượng thí sinh đăng ký các tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội từ năm 2020 -2024
Đối với đề xuất chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Chương cho biết, Bộ cũng nhận thấy quy chế thi tốt nghiệp THPT thay đổi hằng năm gây áp lực về mặt thời gian. Do vậy Bộ cũng mong muốn từ năm 2025, quy chế thi được ổn định.
Bên cạnh đó, dự kiến việc xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỷ lệ 50-50. Ngoài ra, việc miễn thi ngoại ngữ khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ cũng sẽ không được quy đổi thành 10 điểm, mà chỉ công nhận tốt nghiệp là đạt.
Các địa phương cũng cần chuẩn bị lộ trình thi trên máy tính, xây dựng kế hoạch các điều kiện để thí điểm thi trên máy tính từ năm 2027, sau năm 2030 sẽ triển khai rộng rãi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi 4 môn với 36 tổ hợp, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn trong số các môn đã học ở lớp 12. Ngày 18.10 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi tham khảo các môn tốt nghiệp từ năm 2025.
Theo Vũ Hường-Nhã Anh (VOV)