Chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn: Chưa phát huy hiệu quả như mong muốn!
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 40/2019/QÐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn, nhiều nội dung quan trọng chưa thể đi vào thực tế trọn vẹn. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
• Sau hơn 4 năm triển khai, Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND đã đem lại kết quả gì cho làng nghề và ngành nghề nông thôn tại Bình Định, thưa ông?
- Tính đến nay, toàn tỉnh còn 38 làng nghề hoạt động, giảm 31 làng so với thời điểm năm 2019. Các làng nghề có khoảng 5.781 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 9.600 lao động địa phương. Tuy nhiên, quy mô sản xuất tại các làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, mang tính chất hộ gia đình, thiếu liên kết theo mô hình DN hoặc HTX.
Một số kết quả đáng ghi nhận, gồm: 28 làng nghề đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường, 16 sản phẩm của các làng nghề đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, 8 sản phẩm được công nhận OCOP (từ 3 đến 4 sao).
Trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã phân bổ 183,57 triệu đồng hỗ trợ cho 22 làng nghề và phê duyệt 2 dự án hỗ trợ ngành nghề nông thôn với tổng vốn 480 triệu đồng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và cấp nước sạch tại các làng nghề được cải thiện thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới.
• Tuy vậy, một số nội dung như di dời cơ sở sản xuất, đào tạo nhân lực và đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường vẫn chưa được thực hiện…
- Phần lớn các hộ sản xuất đều tận dụng đất ở, đất thổ cư làm nơi sản xuất, nên không có nhu cầu di dời vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nghệ nhân hoặc thợ giỏi được công nhận, gây khó khăn cho việc mở các lớp truyền nghề bài bản.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng sản phẩm của nhiều làng nghề trong tỉnh thiếu đặc sắc, chưa tạo được thương hiệu riêng để nâng cao giá trị, khiến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có 16 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, nhưng quá trình phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu mạnh còn nhiều hạn chế. Các mặt hàng phổ biến như bánh tráng, bún khô, nón lá… chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường lớn.
Về hạ tầng bảo vệ môi trường, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng. Điều này tạo ra tâm lý e ngại đầu tư, thậm chí khiến nhiều cơ sở ngừng hoạt động vì không đủ khả năng thích ứng với yêu cầu về môi trường.
• UBND tỉnh đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều dự án làng nghề trước năm 2025, theo ông mục tiêu này có khả thi không?
- Việc triển khai các dự án phát triển ngành nghề nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, nhưng quy trình phê duyệt phức tạp khiến các địa phương gặp khó khăn trong đề xuất. Một số cơ sở đã lựa chọn tiếp cận chương trình khuyến công của tỉnh vì thủ tục đơn giản hơn và lợi ích kinh tế thiết thực hơn.
Hoạt động sản xuất ở làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn). Ảnh: DŨNG NHÂN
Ngoài ra, Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính không còn quy định nội dung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Điều này gây ra nhiều lúng túng cho địa phương trong việc huy động nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
• Vậy giải pháp cho vấn đề này là…
- Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung vào việc lồng ghép các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và huyện để hỗ trợ các làng nghề. Những làng nghề đã được quy hoạch hoặc có đề án phát triển sẽ được ưu tiên đầu tư theo Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 29.8.2023 về bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Chúng tôi cũng sẽ tiến hành đánh giá toàn diện hiệu quả của Quyết định 40/2019/QĐ-UBND, từ đó đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ mới cho giai đoạn 2026 - 2030. Chính sách mới sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế, đơn giản hóa thủ tục và gia tăng tính hấp dẫn cho các cơ sở sản xuất khi tham gia chương trình hỗ trợ.
• Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn tập trung vào việc di dời cơ sở, đào tạo nhân lực và bảo tồn làng nghề giai đoạn 2019 - 2025. Cụ thể, hỗ trợ di dời khoảng 18 cơ sở ngành nghề nông thôn, chủ yếu là cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ, vào khu quy hoạch làng nghề, với tổng kinh phí 810 triệu đồng. Hỗ trợ khoảng 18 cơ sở mở lớp truyền nghề, tổng kinh phí 378 triệu đồng. Hỗ trợ 8 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Xây dựng 5 dự án bảo vệ môi trường làng nghề, tổng kinh phí 5 tỷ đồng…
TRỌNG LỢI (Thực hiện)