Đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bảo vệ đàn vật nuôi
Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân.
Chủ động triển khai tiêm phòng
Theo thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2024, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát ở 47 tỉnh, thành trên cả nước, phát sinh 1.139 ổ dịch. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn - hơn 308 nghìn con bò, gần 696 nghìn con heo (không tính heo con theo mẹ) và khoảng 10 triệu con gia cầm - Bình Định đã sớm triển khai kế hoạch tiêm phòng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, bố trí kinh phí mua vắc xin, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương để đạt mục tiêu tiêm phòng trên 80% tổng đàn trong năm 2024.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: “Mặc dù đã xử lý kịp thời một số ổ dịch nhỏ đầu năm, song nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn trong môi trường, nhất là vào mùa mưa bão. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai đợt tiêm phòng thứ hai với các loại vắc xin lở mồm long móng cho trâu, bò và cúm gia cầm cho đàn gia cầm mới tái đàn”.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm đạt gần 65% tổng đàn, và tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng cho trâu bò đạt khoảng 45%. Các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chị Trần Thị Hiền, một hộ chăn nuôi bò ở thôn Thiết Tràng, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn), chia sẻ: “Tôi rất lo về bệnh tật cho đàn bò, nên luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ để vật nuôi khỏe mạnh và phát triển tốt”.
Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán. Kinh phí hỗ trợ tiêm phòng cúm gia cầm còn hạn chế, trong khi mức hỗ trợ công tiêm chỉ khoảng 200 đồng/con gia cầm, chưa khuyến khích được đội ngũ thú y tại địa phương. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi nhỏ chưa hợp tác nhốt gia cầm để tiêm phòng, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ tại nhiều nơi. Những đàn vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại lớn về kinh tế nếu dịch bệnh lây lan.
Mặt khác, công tác chỉ đạo và tổ chức tiêm phòng ở một số địa phương còn chưa thực sự quyết liệt, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tại nhiều tỉnh, thành vẫn phức tạp, cộng thêm việc tăng cường tái đàn vào dịp tết Nguyên đán làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhân viên thú y tiêm vắc xin lở mồm long móng cho đàn bò nhà chị Trần Thị Hiền, ở thôn Thiết Tràng, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn). Ảnh: T.LỢI
Nâng cao hiệu quả phòng dịch
Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, ông Huỳnh Ngọc Diệp khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh theo Công văn số 8149/UBND-KT ngày 14.10.2024. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh giám sát, cảnh báo và sẵn sàng ứng phó khi có dấu hiệu dịch bùng phát, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng đợt hai trong năm 2024 theo kế hoạch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử cán bộ kỹ thuật về tận địa phương để kiểm tra, hướng dẫn công tác tiêm phòng. Đồng thời, các tổ giám sát được thành lập nhằm đảm bảo quy trình tiêm phòng, vận chuyển và bảo quản vắc xin luôn đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Người chăn nuôi cũng được khuyến cáo cần chú trọng bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, duy trì vệ sinh chuồng trại, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho heo, gia cầm và trâu bò. Việc mua giống vật nuôi từ các cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh cũng là yếu tố quan trọng để giảm rủi ro dịch bệnh.
“Bà con cũng cần nhanh chóng báo cáo với cán bộ thú y khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bất thường để được xử lý kịp thời, tránh việc tự ý bán hoặc vứt bỏ vật nuôi bệnh ra môi trường, vì điều này có thể gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất ổn định mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay”, ông Diệp lưu ý.
TRỌNG LỢI