Trung Quốc thăm dò phản ứng của Indonesia ở Biển Đông?
Các nhà phân tích cho rằng, Indonesia và Trung Quốc có lẽ sẽ dàn xếp căng thẳng theo những cách dễ dự đoán hơn, một khi hai bên biết chắc chắn hơn về lập trường của mỗi nước.
Chỉ trong vòng 1 tuần, kể từ khi tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.10, tàu hải cảnh và khảo sát Trung Quốc đã 3 lần đi vào vùng biển phía bắc quần đảo Natuna (Indonesia) gần Biển Đông, nơi Indonesia tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Các nhà phân tích cho rằng, hành động này là nhằm kiểm tra cách thức phản ứng của chính phủ mới dưới thời Tổng thống Prabowo Subianto.
Theo nhà phân tích quốc phòng Ridzwan Rahmat (Công ty tình báo toàn cầu Janes), có thể Bắc Kinh đang tìm hiểu chính quyền mới của Indonesia chịu đựng được đến mức nào đối với chiến thuật “vùng xám” này. Trước đó, năm 2020, chỉ vài tháng sau khi ông Joko Widodo bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc cũng xâm phạm vùng biển này, buộc Indonesia phải điều tàu chiến và máy bay chiến đấu xua đuổi.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian (ĐHQG Singapore) cho rằng, trong những năm gần đây, cả hai nước giải quyết những bất đồng liên quan đến vùng biển này theo cách nhẹ nhàng hơn. Ông Chong Ja Ian cũng nhất trí cho rằng, sự việc trong những ngày qua có thể là bước đi của Trung Quốc nhằm thăm dò cách thức xử lý của Indonesia.
Tàu hải cảnh Indonesia và tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển Bắc Natuna hồi tháng 11.2021. Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia
Trong bài viết trên trang The Interpreter của Viện Lowy (Australia), TS Abdul Rahman Yaacob, chuyên gia về Chương trình Đông Nam Á của viện này tin rằng, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc sẽ không xấu đi vì sự cố vừa qua. “Ông Prabowo Subianto tỏ dấu hiệu cho thấy Indonesia có thể là bạn với Trung Quốc nhưng cũng sẽ đối đầu với Bắc Kinh nếu cần”, ông Abdul Rahman nói.
Trong khi đó, ông Ridzwan Rahmat nhận định, với xuất thân từ quân đội, Tổng thống Prabowo Subianto nhiều khả năng sẽ chọn cách tiếp cận thực tế hơn người tiền nhiệm trong việc phô diễn sức mạnh quân sự ở quy mô lớn. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Yohanes Sulaiman (ĐH Jenderal Achmad Yani, Tây Java) cũng cho rằng, trước mắt tranh chấp hàng hải mới đây không tác động nhiều đến quan hệ giữa 2 nước, nhất là khi Indonesia vừa mới trở thành quốc gia đối tác của khối BRICS, nơi Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể.
Theo ông Radityo Dharmaputra, giảng viên Trường ĐH Airlangga (Indonesia), tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto biết rõ rằng, ông cần Trung Quốc để hoàn thành các mục tiêu kinh tế. Đó có thể là lý do ông chọn Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia, cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi đắc cử. Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia, như than và nikel, hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nhiều dự án khác của Indonesia, tiêu biểu như tuyến đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung.
Trong khi đó, chuyên gia Imam Prakoso (Nhóm Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia) cho rằng, dù là hành vi thăm dò phản ứng hay vì lý do gì khác, thì sự việc vừa qua cũng là lời nhắc nhở để chính phủ Indonesia tăng cường hệ thống an ninh hàng hải. Để tăng cường năng lực quân sự, trong 4 năm qua, Indonesia tăng ngân sách quốc phòng hằng năm trung bình gần 20%. Năm 2023, ngân sách quốc phòng của nước này là 144 nghìn tỷ rupiah (9,2 tỷ USD), chỉ xếp sau Singapore (15 tỷ USD) ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng của Indonesia chỉ chiếm khoảng 0,7 - 0,8% GDP, thấp nhất trong 6 nền kinh tế mới nổi ở khu vực.
“Nếu thấy hiệu quả, chính phủ Indonesia có thể tiếp tục giải pháp ngoại giao phi phát thanh (no-megaphone diplomacy - không dùng phương tiện truyền thông quốc tế đưa ra các tuyên bố, cảnh báo), nhưng nước này phải cải thiện hệ thống an ninh hàng hải để duy trì sự hiện diện ở vùng biển Bắc Natuna, nhất là ở những điểm nóng mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn”, ông Imam Prakoso nói.
LÊ QUẢNG (Theo CNA)