Đằng sau tác phẩm Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa
Mới đây, kiệt tác nghệ thuật Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa được in trên tờ tiền mới có mệnh giá 1.000 yen của Nhật Bản. Trước đó, hình ảnh này là tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản được in lại nhiều nhất trên thế giới. Đây là 1 trong số 24 tác phẩm thuộc loạt tranh mang tên Thirty-six Views of Mount Fuji (tạm dịch: 36 góc nhìn của núi Phú Sĩ), do danh họa Katsushika Hokusai (1760 - 1849) sáng tác trong giai đoạn 1830 - 1833. Tên gọi ban đầu của bức tranh này là Dưới con sóng ngoài khơi Kanagawa, mô tả hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ bị 1 ngọn sóng lớn bao trùm và phía trên mặt nước là 3 con thuyền nhỏ.
Kiệt tác này cũng được xem là một trong những đại diện tiêu biểu cho phong trào Chủ nghĩa Nhật Bản (Japonisme) ở thế kỷ XIX, phản ánh sự ảnh hưởng của phong cách Nhật Bản đến nghệ thuật châu Âu. Hiện nay, nhiều nhà thiết kế phương Tây thường sử dụng hình ảnh này để thể hiện tính Nhật Bản trong các tranh minh họa trên các bìa sách, poster, áo thun hay mũ. Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa cũng nằm trong bộ sưu tập quý giá tại Bảo tàng vương quốc Anh, Bảo tàng Nghệ thuật TP New York và Thư viện Quốc gia Pháp. Năm 2020, bộ tranh của ông cũng được in trên các trang hộ chiếu mới của Nhật Bản.
Bức tranh Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa trên mẫu tờ tiền mệnh giá 1.000 yen mới của Nhật Bản. Ảnh: Stanislav Kogiku (SOPA Images/LightRocket/Getty)
Họa sĩ Katsushika Hokusai sống vào cuối thời kỳ Edo (1603 - 1868), khi Nhật Bản bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhờ những hoạt động giao thương hạn chế với Hà Lan, nhiều khái niệm nghệ thuật của phương Tây cũng được du nhập vào Nhật Bản, như phối cảnh tuyến tính với đường chân trời thấp hay sắc màu xanh phổ, trở thành công cụ hoàn hảo để những họa sĩ như Katsushika Hokusai biểu đạt chiều sâu của phong cảnh như trong tác phẩm này.
HỒNG QUẢNG (Theo El Pais)