Mùa cau trở lại
Truyện ngắn của SƠN TRẦN
1. Thiện vừa đóng máy tính, tắt máy lạnh chuẩn bị ra khỏi phòng làm việc thì điện thoại đổ chuông. Người gọi là chị Mai, giọng hồ hởi thông báo:
- Cau lên giá rồi út ơi, đến tám mươi ngàn. Nhiều nhà trúng đậm. Nhà mình, hàng cau dọc ngõ bán cũng được mấy chục ký rồi!
Lẫn trong tiếng người là tiếng chó sủa nhặng lên. Thiện chưa kịp nói gì thì chị Mai đã cúp máy. Thiện chưng hửng nhìn chằm chằm vào màn hình đen ngòm thì chị Mai gọi lại, phân bua:
- Mấy ông mua cau đứng đầu ngõ, hỏi còn cau bán không, cau già hay non họ đều mua cả!
Hai chị em nói chuyện, hỏi thăm nhau một lúc. Nghe giọng, Thiện biết chị Mai đang vui. Dĩ nhiên anh biết nỗi vui này không chỉ mỗi chuyện cau có giá, người dân cải thiện được cuộc sống mà vì còn một lẽ khác.
Nhà có hai chị em suýt soát tuổi nhau. Sớm tối, vui buồn đều có nhau. Xưa, chị em đèo nhau đi học ai cũng nghĩ là sinh đôi. Dù khác giới, học trên dưới một lớp nhưng hợp tính nhau, yêu thương nhau lắm. Nhớ lần đi tắm suối, hụt chân, Thiện bị dòng nước cuốn trôi, chị Mai lao theo kéo được em lên. Người lớn hỏi sao liều vậy. Chị Mai cười cười bảo em mình mà!
Lớn lên, Thiện đi học xa, chị Mai ở nhà phụ việc ruộng rẫy cùng cha mẹ. Chị còn làm việc ở xã, phụ trách bên mảng phụ nữ, có tham gia văn nghệ nữa. Thiện hay gọi điện về hỏi thăm cha mẹ qua chị Mai. Hai chị em cứ ríu rít với nhau cả tiếng đồng hồ.
2. Thiện về quê trong một chiều đông heo hắt nắng. Vừa qua khỏi con dốc, Thiện đã cảm nhận được cái lạnh len lỏi qua lớp áo dày, khiến anh rùng mình, chợn bước. Trước không gian bao la của điệp trùng đồi núi, Thiện hay để lòng mình trở về những yêu thương ngày cũ. Tiếng cồng chiêng va vào vách đá, vọng lại. Tiếng hát kalêu ngân nga, rộn ràng. Thiện thấy lòng ấm áp, chân bước nhanh hơn. Dọc đường, những đống cau người dân tập kết chờ thương lái chuyển về phố. Anh thấy nhiều người chở cau ngược chiều. Trông ai cũng phấn khởi, vui vẻ. Thực sự trong miền sâu thẳm của tâm hồn, vùng quê nơi Thiện sinh ra, con người anh yêu quý, cả những mùa cau đi qua cuộc đời đã ghim chặt vào lòng, đã để lại bao kỷ niệm luyến thương.
3. Nơi Thiện chào đời được mệnh danh là thủ phủ cau. Không biết cau có từ bao giờ, cũng chẳng rõ ai là người đầu tiên mang giống cây này về trồng trên vùng đất cỗi cằn này nữa. Thiện chỉ biết khi anh vừa bi bô tập nói, chập chững những bước đi đầu tiên, chiếc mo cau làm xe kéo anh vòng quanh sân. Chiếc gàu múc nước làm bằng mo cau. Bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu cũng cần có miếng cau thơm kèm theo. Cái máng nước, cái chổi quét nhà đều làm từ cau. Trên ngọn cau cao, gió vi vút, bầy chim sẻ bay về làm tổ...
Ngày ấy lâu rồi. Từ khi trước ngõ chưa có hàng cau, từ khi ngôi nhà sàn còn xiêu vẹo, khoảng sân lổn nhổn đá sỏi. Thiện còn nhớ rõ. Cha làm nghề trèo cau thuê. Cha trèo cau rất giỏi. Phóc nhanh một loáng đã tuốt ngọn cau, trông như con sóc nhỏ. Lúc đấy Thiện ngạc nhiên lắm, ước được như cha. Cha xoa đầu bảo, nghề này cực lắm, lo học kiếm cái chữ rồi sống như người ta con à!
Lời cha dặn như làn gió, vèo qua tai. Thiện nghe nhưng không để ý lắm. Anh đang chăm chú nhìn đoạn dây leo lấy ra từ túi vải cha hay mang bên hông. Nghe lời cha kể, loại dây này quấn quanh thân cây cổ thụ, rất dẻo dai, ngay cả những người đi rừng giỏi nhất cũng hiếm khi gặp. Chọn được đoạn dây ưng ý, người ta đem về tước vỏ, ngâm dưới suối mấy ngày đêm rồi hơ lên lửa cho nhựa rỉ ra, vừa hơ vừa xoắn lại... Đoạn dây rừng và chiếc liềm dắt sau lưng là dụng cụ hành nghề của cha.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MINH TÂM
4. Ai sinh ra và lớn lên ở vùng đất này đều gắn một phần đời mình với hình ảnh cây cau. Từ triền đồi thoai thoải, đến bờ suối, ngõ làng... đâu đâu cũng thấy bóng dáng của cau. Cau là loài cây không kén đất, chỉ cần chăm sóc kỹ giai đoạn đầu, khi lá bắt đầu vươn ra đón ánh mặt trời thì chỉ cần tưới nước, dọn cỏ thì nó có thể phát triển khỏe mạnh. Dưới tán cau xanh những buổi trưa hè hay những đêm mùa thu trăng sáng, bao câu chuyện xa xưa được bà, được mẹ kể lại, bao nỗi lo vào kỳ giáp hạt, việc dựng nhà, đốt rẫy, việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống qua việc lưu truyền các làn điệu dân ca, cả việc lạc rừng khi đi đốt tổ ong, lấy măng.
Thiện vốn là đứa trẻ hiểu chuyện lại thích mơ mộng. Anh hay nhìn những bông hoa cau rụng ngoài sân. Màu trắng ngà kèm theo hương thơm dịu đã dẫn dắt suy nghĩ của anh đến những điều thánh thiện, trong sáng nhất. Trong thời khắc cuối ngày, hơi lạnh bắt đầu lan tỏa, cả làng chìm dần vào sự tĩnh lặng chỉ còn những hàng cau đong đưa cành lá thì thật sự Thiện đã bị cuốn theo những ký ức vừa xa vừa gần được đánh thức.
Chị Mai đăm đắm nhìn những hàng cau. Có lẽ nỗi lòng của chị được vuốt ve bởi niềm tin về sự trở về của anh. Tính ra cũng đã năm năm rồi, từ trước trận dịch xảy ra. Năm ấy mùa cau đang rộ, thương lái cho người đi lùng sục khắp nơi, hễ có cau là mua, không câu nệ già non, tốt xấu gì cả. Nhà có vườn cau lão nhưng cũng lác đác mấy quày. Chị Mai đi kêu người hái và tình cờ gặp anh. Như là một định mệnh khó cắt nghĩa. Hai người làm quen nhanh chóng. Anh là người miền xuôi, công tác bên ngành văn hóa, đi tìm hiểu và sưu tầm những làn điệu dân ca của các dân tộc cho một dự án. Mà chị Mai là người say mê những làn điệu hát ru, kalêu... Chị còn là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của làng được mời tham gia các lớp dạy hát dân ca để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cadong. Giọng hát của chị ngọt ngào, sâu lắng. Anh đã bị thu hút trước tình cảm và sự hiểu biết về văn hóa cội nguồn của chị Mai. Tuổi trẻ nhiều ước mơ và khát vọng đôi lứa đã xích hai người lại với nhau trong một tình yêu đẹp. Những đêm trăng sáng bên bờ suối. Những buổi chiều hẹn hò lãng mạn dưới chân đồi đầy hoa xuyến chi. Nhưng rồi... có lẽ Thiện không nói gì thêm và chị Mai cũng muốn xếp gọn thứ gọi là tình yêu đấy vào một góc nào đó. Bởi lẽ những cuộc điện thoại vẫn nối dài, những dòng tin nhắn vẫn reo, nhưng cứ mỗi lần chị ướm lời hỏi chuyện tương lai anh lại hoặc im lặng hoặc tìm cách bảo chờ anh thêm ít nữa….
5. Cha vẫn ngồi trên chiếc ghế gỗ, bên hiên nhà, vào mỗi chiều muộn. Thiện cảm giác thói quen này của cha chưa hề có ý định thay đổi. Cứ chiều xuống, mùa mưa cũng như mùa nắng, chỉ cần có ở nhà là cha ra ngồi ở đó. Vẫn kiểu ngồi ấy, vẫn điệu bộ và ánh mắt đấy. Từ mùa hạ sang mùa thu, hết mùa đông rồi đến mùa xuân. Dáng hình ấy tạc vào ký ức Thiện, để tháng năm xa nhà anh mãi nhớ về. Nhất là những mùa trăng về cùng mùa cau, bóng dáng cha tất tả, xuôi ngược trên đường làng, từ rẫy xuống ruộng.
Thiện nhấc ghế ra ngồi cạnh cha. Trăng giữa tháng không rực rỡ, lai láng mà vàng vọt, nấp sau đụn mây xa. Mùa này trăng thường vậy, người làng bảo là trăng côi. Có đêm, Thiện không ngủ được, ngồi thu lu góc giường, qua cửa sổ, nhìn mông lung. Những tàu cau mướt hơn khi ướt sương, đung đưa theo từng cơn gió nhẹ. Hương hoa cau đằm dịu, tỏa lan. Thế nào sáng ra, mặt đất cũng lấm tấm sắc trắng ngà. Mẹ sẽ nhặt lên săm soi và dự đoán mùa này cau đậu quả nhiều hay ít. Dân gian thường nhắc nhau được mùa lúa, úa mùa cau nhưng xứ này nhiều năm mất trắng cả cau lẫn lúa. Cau thì điếc, lúa thì nghẹn đòng, đỏ quạch. Người dân phải rời quê. Cả làng chỉ còn người già hom hem, gầy yếu và con nít bụng ỏng đít teo, da vàng. Có nhà buồn quá, đốn cau, trồng cây khác. Nhưng rồi, cau được giá trở lại, người làng bắt đầu nhân giống cau mới, cải tạo đất đồi cho cây năng suất hơn.
Cha từng bảo không ở đâu đẹp bằng xứ mình. Thiện bật cười khi lần đầu nghe cha nói vậy. Nhưng dần dà anh nghiệm ra rằng cha nói có lý. Bởi những tháng năm đi học xa nhà cộng mấy năm làm việc ở thành phố, anh luôn hoài vọng chốn quê. Nơi ấy bình yên đến lạ. Nơi ấy thân thương vô cùng. Hình ảnh mẹ anh lụi hụi trong bếp kho nồi cá đồng với dưa cải. Mùi mỡ quyện cùng khói bếp thơm mơ màng. Cha anh từ ngoài rẫy vào, thả ống quần xuống, múc một gàu nước lạnh rửa mặt và hỏi thăm anh mấy câu. Chị Mai ngồi thêu bên cửa sổ, thêu ước mơ, thêu cả nỗi lòng mong ngóng.
6. Thiện đã thực hiện nhiều chuyến đi bằng tâm tưởng để trở về gặp lại quê nhà, để thấy mình trong hình hài của cậu bé mười tuổi mà không điều gì ở thực tại ngăn cản được. Những bữa tiệc cuối tuần cùng bạn bè dần xa. Những chuyến picnic ngắn ngày anh cũng không không mảy may quan tâm. Anh muốn về quê vào dịp lễ. Nằm trên chiếc võng cũ ngước nhìn bóng cau chao nghiêng dưới nắng sớm, trong gió chiều. Lúc đó, anh tha hồ quay về tuổi nhỏ để đắm mình vào một thế giới hồn nhiên. Thực sự, cứ theo nhịp thời gian trôi, con người có thêm cơ hội để hoài niệm. Cha mẹ anh nay đã già. Cả đời khó khăn lại muộn đường con cái. Chị Mai chưa lấy chồng, anh thì đang theo đuổi ước mơ còn dang dở.
Bữa ngồi ăn cơm, cha hỏi chuyện chị Mai. Mặt cha buồn rượi. Chị Mai ấp úng. Con gái vùng này bằng tuổi chị đã con bồng con cõng cả rồi. Mẹ nhìn chị lắc đầu. Thiện nghe tim mình thổn thức, thương chị không biết để đâu cho hết. Để xua tan không khí nặng nề đang bủa vây, Thiện cười giả lả nói về giá cau, dự định mai này về quê mua vài hecta đất rừng trồng cau. Cha như được khơi trúng mạch, hào hứng ngay.
- Ảnh nói ảnh muốn về sống hẳn trên này kìa Út. Nhưng vô không lẽ lại ở nhờ nhà vợ. Mà sau mấy năm dịch giã, nay tuy có khá hơn nhưng ảnh cũng chưa để dành được nhiều để cưới chị. Không mẹ cha, anh em, họ hàng cô bác thì xa… Sao chị khổ vầy nè Út…
Chị Mai ngồi mém bên gờ đá đầu ngõ trong bóng chiều nhập nhoạng. Tóc chị rối mù vì gió lùa hay không chịu chải? Thiện lặng lẽ rồi cầm tay chị, động viên:
- Không sao đâu chị. Thế là tốt rồi. Em chưa thể về lại quê nhà, có về cũng phải nhiều năm nữa. Nhà mình rộng, đất vườn thênh thang làm gì mà không có chỗ cho con rể ở cùng. Anh chị cứ thưa chuyện với mẹ cha đi! Em tin là ba mẹ sẽ ủng hộ…
Và anh về thật. Khỏi phải nói chị Mai đã mừng như thế nào. Chị đón anh bằng ánh mắt, bằng nụ cười. Chị vui đến nỗi quên cả hờn trách, chỉ biết trước mắt chị là người đàn ông của đời mình, sau những tháng ngày rong ruổi đã trở về chọn chị là bến đỗ bình yên.
Chị Mai bật khóc. Còn anh thì âu yếm nhìn chị.
Trong bóng chiều nghiêng xuống đồi cau dọc con suối Lụa, Thiện thấy chị Mai cùng anh sóng đôi bên nhau. Trông chị thẹn thùng, vẻ mặt lấp lánh niềm hạnh phúc.