Miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa, lũ lớn từ ngày 3-10.11
Các địa phương miền Trung đã ban hành công điện về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 3-10.11.
Theo dự báo cơ quan khí tượng thủy văn, tại miền Trung chịu ảnh hưởng của một hình thái thời tiết xấu gây mưa to, mưa rất to từ ngày 3-10.11. Mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối. Ảnh: VGP/Nhật Anh
Chiều 2.11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ chiều tối 3-9.11, tại Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của một hình thái thời tiết xấu gây mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 500-850mm, có nơi trên 1.000 mm. Đây là đợt mưa rất phức tạp, kéo dài nhiều ngày, mưa tập trung mạnh nhất từ ngày 5-8.11.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP Huế theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.
Rà soát các kế hoạch, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt, cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khí xảy ra lũ lụt, nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
Mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng hạ lưu. Ảnh: VGP/Nhật Anh
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, từ đêm ngày 3.11 đến 8.11 các địa phương trong tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ ngày 6.11 đến 8.11. Mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trong những ngày tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 1865 của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành nhằm hạ dần mực nước các hồ thủy điện A Vương về cao trình 370m trước 7 giờ ngày 5.11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 7 giờ, ngày 3.11. Mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm =<200 m3.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn từ ngày 3-10/11, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đặc biệt chú ý Nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo tình hình thiên tai để Nhân dân chủ động ứng phó.
UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ" sẵn sàng ứng phó với thiên tai; vận động người dân chủ động kê cao tài sản, khơi thông cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.
Theo Nhật Anh (Chinhphu.vn)