“Dẹp loạn” lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép - Kỳ 1
Năm 2024, lần đầu tiên Bình Ðịnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương về việc xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. 9.500 trường hợp vi phạm tồn tại nhiều năm qua phải được xử lý dứt điểm, cùng với đó, quản lý chặt không để phát sinh vi phạm mới.
Kỳ 1: Quyết liệt giải quyết vi phạm cũ
Lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép là căn bệnh trầm kha tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Ðịnh. Quyết “dẹp loạn” tình trạng này, ngày 27.4.2023, UBND tỉnh ra Chỉ thị số 05/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Không bao che, không dung túng
Ngày 8.6.2023, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề quán triệt công tác quản lý đất đai trên toàn tỉnh, do đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ngày 30.6.2023, UBND tỉnh ra Quyết định 2359/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch của tỉnh xác định các mốc thời gian cụ thể, thực hiện từ tháng 8.2023, lập danh sách người sử dụng đất do lấn chiếm; kiểm tra thực tế, đo đạc đất đai, lập bản đồ thửa đất, phân loại đối tượng vi phạm; xét và công bố danh sách, ra thông báo trường hợp được phép tồn tại, trường hợp không được phép tồn tại buộc tháo dỡ, đồng thời chuẩn bị quỹ đất đề xuất chủ trương tái định cư nhằm đảm bảo an sinh xã hội (đối với trường hợp không có nơi ở nào khác); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trường hợp được phép tồn tại. Từ ngày 1.6.2024, tổ chức ra quân xử lý tháo dỡ hoặc cưỡng chế trường hợp không được phép tồn tại.
Theo Sở TN&MT, thống kê đến cuối tháng 12.2023 cho thấy, toàn tỉnh có 16.366 trường hợp vi phạm, trong số này đã xử lý được 4.925 trường hợp, còn lại 11.511 trường hợp chưa xử lý. Năm 2024 là năm đầu tiên tỉnh giao chỉ tiêu cho địa phương giải quyết vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, với 9.500 trường hợp tồn đọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu, việc xử lý vi phạm thực hiện trên tinh thần không bao che, không dung túng bất cứ trường hợp nào. Phương án xử lý cũng phải căn cơ, rà soát tất cả trường hợp vi phạm để phân loại rồi mới xử lý.
Triển khai thực hiện chỉ tiêu tỉnh giao, các địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề; thành lập Ban chỉ đạo xử lý lấn chiếm đất đai và tổ công tác giúp việc; thành lập tổ công tác cấp xã triển khai thực hiện nhiệm vụ xử lý trên địa bàn. Riêng Thành ủy Quy Nhơn đã có Chỉ thị 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép; Chương trình hành động 11-CTr/TU về tăng cường chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng…
Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm trước
Kết quả rà soát của TP Quy Nhơn cho thấy, có 2.130 trường hợp vi phạm tại 15/21 phường, xã. Không chỉ số lượng vi phạm lớn, mức độ nhiều vụ việc cũng phức tạp, gây dư luận xấu khi có cả cán bộ, đảng viên. Nổi cộm nhất là các trường hợp xây công trình trái phép tại tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung) như trường hợp ông N.T., nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ; ông T.T.L., bác sĩ công tác tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh; bà T.T.T.T. (vợ ông V.V.H., nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Bình Định); ông V.V.T., nguyên cán bộ Trường ĐH Quy Nhơn…
Đích thân người đứng đầu chính quyền tỉnh đi kiểm tra tình hình vi phạm nói trên. Đồng thời, nhấn mạnh rõ quan điểm trước tiên tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm của cán bộ, đảng viên để làm gương…
Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm của cán bộ, đảng viên tại tổ 49 (khu phố 5, phường Quang Trung, Quy Nhơn). Ảnh: M.H
Ngày 16.1.2024, UBND TP Quy Nhơn và UBND phường Quang Trung ra quân xử lý đối với 4 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nói trên.
Cũng tại tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung), “điểm nóng” thứ hai đã được xử lý là trường hợp ông L.A.T. vi phạm phức tạp. Ngày 11.9.2024, thành phố và địa phương đã huy động lực lượng hơn 200 người, với hỗ trợ của CA tỉnh, cưỡng chế tháo dỡ thành công 3 công trình vi phạm trên tổng diện tích gần 500 m2.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho hay: “Qua rà soát phường xác định có 524 trường hợp vi phạm, các “điểm nóng” là tổ 49 (khu phố 5), tổ 7 (khu phố 1), tổ 20 (khu phố 2). Xử lý trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm trước là cách để tuyên truyền các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ, hoặc nếu phải tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm của người dân cũng thuận lợi hơn. Trường hợp người dân thật sự khó khăn về nhà ở, chúng tôi rà soát thận trọng để đề xuất thành phố trước khi xử lý”.
Đến hết tháng 9.2024, Quy Nhơn đã xử lý 1.452/1.715 trường hợp, đạt 84,7% chỉ tiêu tỉnh giao. Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đức Toàn khẳng định, đây là thành quả của cả hệ thống chính trị. Đến nay, những “ca khó” vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép đã được xử lý. Đặc biệt, xử lý công trình lấn chiếm xây dựng trái phép trên đảo Hòn Rớ (phường Ghềnh Ráng) ở địa phận giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên; 4 đợt cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm dọc QL 1D; cưỡng chế nhanh gần 40 trường hợp tại khu phố 2, phường Ghềnh Ráng; hay trường hợp cưỡng chế “ca khó” tại tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung)…
Quyết liệt, đồng bộ
Năm 2024, TX Hoài Nhơn được tỉnh giao chỉ tiêu xử lý 1.983/2.024 trường hợp vi phạm, tuy nhiên địa phương phát động thi đua xử lý toàn bộ 2.024 trường hợp. Đến hết tháng 9.2024, thị xã đã xét duyệt xong hồ sơ 1.702 trường hợp.
Xã, phường và phòng, ban thuộc UBND TX Hoài Nhơn ký giao ước thi đua xử lý lấn chiếm đất đai năm 2024. Ảnh: V.L
Ông Trần Đinh, Trưởng phòng TN&MT TX Hoài Nhơn, cho biết: “Để công tác rà soát, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của người dân đạt hiệu quả, sự tham gia của cấp cơ sở như thôn, khu phố rất cần thiết. Do đó, tổ công tác cấp xã của các phường, xã cử cán bộ đứng chân địa bàn phối hợp chặt chẽ với Ban nhân dân thôn, khu phố và cấp ủy chi bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phát phiếu, hướng dẫn người dân kê khai”.
Ông Phạm Đình Minh - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố Song Khánh (phường Hoài Xuân), nói thêm: Ngoài tổ chức các buổi sinh hoạt nhân dân theo thường lệ, chi bộ và ban nhân dân khu phố còn tranh thủ tới hộ gia đình chưa “mặn mà” với việc kê khai quá trình sử dụng đất để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn.
Ông Võ Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Tân, cho biết: Mỗi tháng, tổ công tác của phường rà soát, họp xét 4 lần. Cán bộ phụ trách địa bàn và cấp ủy chi bộ các khu phố thường xuyên nắm tình hình, tuyên truyền vận động, nhờ đó người dân chấp hành kê khai quá trình sử dụng đất, nhất là phần diện tích lấn chiếm. Tổ công tác của phường đã rà soát, họp xét và lập danh sách trình Ban chỉ đạo thị xã xét duyệt, xử lý xong 109 trường hợp; từ nay đến cuối năm tiếp tục xử lý 51 trường hợp còn lại.
Năm 2024, huyện Phù Mỹ đặt mục tiêu xử lý 1.502 trường hợp vi phạm, dù chỉ tiêu tỉnh giao chỉ có 81 trường hợp. Ông Nguyễn Ngọc Lên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi, cho hay, xã đã thu thập thông tin và lập danh sách 56 trường hợp vi phạm tại 8/8 thôn. Đồng thời, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn để người dân biết; hoàn thiện hồ sơ 31/56 trường hợp vi phạm, báo cáo UBND huyện phê duyệt, xử lý.
Tại Mỹ An, xã đã thu nhận 368 tờ đơn kê khai về tình hình sử dụng đất của người dân tại 7/7 thôn. Qua kiểm tra, rà soát đã xác định 140 trường hợp vi phạm. Từ đó xã đã hoàn thiện hồ sơ 39 trường hợp gửi Phòng TN&MT huyện kiểm tra, xác minh, trước khi trình cho UBND huyện xem xét xử lý.
MAI HOÀNG - TIẾN SỸ - VĂN LỰC
• Kỳ 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc