Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo Chi cục Dân số (Sở Y tế), tỷ số giới tính khi sinh của Bình Ðịnh đang ở mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỉnh đang triển khai các biện pháp can thiệp để đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025 là dưới 110 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tỷ số giới tính khi sinh là một chỉ số nhân khẩu học phản ánh cơ cấu giới tính của một bộ phận dân số, trong đó, tỷ số giới tính khi sinh được các nhà nhân khẩu học quan tâm nhất. Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái sinh ra trong năm, thông thường là 103 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo Chi cục Dân số, năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của Bình Định là 110,3/100; năm 2021 ở mức 110,4/100; năm 2022 ở mức 110,2/100; năm 2023 ở mức 110,1/100 và đến năm 2024 là 110/100.
Kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh
Bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số, đánh giá: Trong giai đoạn 2016 - 2024 bình quân mỗi năm Bình Định giảm được 0,17 điểm % về chênh lệch giới tính khi sinh. Như vậy, tỉnh đã kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025 là dưới 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Đến nay, Bình Định chưa ghi nhận sự chênh lệch tỷ số giới tính giữa các vùng miền. Xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được kiểm soát có hiệu quả.
Lồng ghép tuyên truyền giới tính khi sinh trong các buổi tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên tại trường học được TTYT TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức. Ảnh: ANH TUẤN
Một trong những tác động tích cực để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là việc tỉnh triển khai đề án kiểm soát từ nhiều năm nay. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các quyết định giao chỉ tiêu thực hiện công tác dân số trên địa bàn tỉnh, trong đó có mức giảm tỷ số giới tính khi sinh. Sở Y tế ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện hoạt động dân số bằng nguồn ngân sách.
“Trên cơ sở đó, Chi cục Dân số hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành y tế tuyên truyền nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh nhân Tháng Hành động vì trẻ em gái, Ngày Quốc tế trẻ em gái, Ngày Dân số thế giới 11.7, Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26.12; trong đó có lồng ghép truyền thông về nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh... Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, bà Kiều cho hay.
Để đảm bảo hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức được tăng cường trong thời gian qua. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe (TTYT TP Quy Nhơn), cho hay: Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi rất quan trọng trong kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. Hằng năm, ngành y tế thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong cộng đồng, thanh niên, học sinh. Nội dung tuyên truyền xoay quanh giới và giới tính khi sinh, các quy định liên quan đến giới và giới tính khi sinh; những phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến giới tính khi sinh cần phải được hạn chế và loại bỏ, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cần tác động mạnh để thay đổi nhận thức
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Bình Định được kiểm soát, song để đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên vào năm tới ở mức dưới 110 trẻ trai/100 trẻ gái là không đơn giản.
Bà Kiều cho hay, nhận thức về bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, muốn có con trai vẫn còn tồn tại trong một số bộ phận người dân. Hệ thống an sinh xã hội chưa bảo đảm, nên nhiều người muốn có con trai để nương tựa khi về già. Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp cung cấp dịch vụ, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc tuyên truyền, vận động về kiểm soát mất cân bằng giới tính chưa được một số cấp ủy đảng, chính quyền cùng ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện thường xuyên… Đây là những khó khăn, thách thức đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cùng với các giải pháp ưu tiên về tuyên truyền trong cộng đồng, bà Kiều cũng đồng thời nêu đề xuất về việc cần thiết điều chỉnh những quy định chế tài để đảm bảo hiệu lực trong kiểm soát chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh. Cần tăng cường mạnh hơn công tác tuyên truyền về giới tính khi sinh và bình đẳng giới, về hệ lụy và hậu quả của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở dịch vụ y tế chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, cần gắn công tác dân số với các tiêu chí xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng nông thôn mới…
MAI HOÀNG